Có ưu tiên thanh toán tiền thi hành án khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

(PLVN) -Thanh toán tiền thi hành án là một hoạt động tác nghiệp rất quan trọng của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự (THADS).  Việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 ( Luật THADS); khoản 4 Điều 27, Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. 

Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, các cơ quan THADS gặp những trường hợp bản án tuyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.…để đảm bảo thi hành án. Vậy trong những trường hợp này người đã yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có được ưu tiên thanh toán khi thanh toán tiền thi hành án không? Về vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Bản án thứ nhất tuyên buộc A phải thi hành án số tiền 200 triệu đồng; bản án thứ hai tuyên buộc A phải thi hành án số tiền 250 triệu đồng; bản án thứ ba tuyên buộc A phải thi hành số tiền 500 triệu đồng, đồng thời bản án thứ ba tuyên tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc phong tỏa quyền sử dụng đất của A để bảo đảm thi hành án. Sau khi bán tài sản của A, cơ quan THADS thu được số tiền 700 triệu đồng, vậy nghĩa vụ của A tại bản án thứ ba có được ưu tiên thanh toán trước các nghĩa vụ tại các bản án khác không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng cần ưu tiên thanh toán cho người được thi hành án trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo bản án số ba, vì Tòa án đã tuyên phong tỏa tài sản là quyền sử dụng đất của A để đảm bảo thi hành án (được hiểu là nghĩa vụ của bản án đó). Mặt khác, theo quy định tại Điều 136 BLTTDS năm 2015 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 BLTTDS năm 2015 phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Do đó trong trường hợp này người đã yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được ưu tiên thanh toán khi thanh toán tiền thi hành án thì mới đảm bảo quyền lợi cho họ. 

Quan điềm thứ hai cho rằng không thể thực hiện việc ưu tiên thanh toán trong trường hợp này. Bởi vì: Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm việc thi hành án. Theo Điều 111 BLTTDS năm 2015, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi  kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này. Cần phân biệt trường hợp tòa án tuyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với trường hợp người có tài sản bảo đảm (bên nhận cầm cố thế chấp)  được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS.  

 Mặt khác, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về việc ưu tiên thanh toán đối với trường hợp này, do đó người đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ không được ưu tiên thanh toán khi thanh toán tiền thi hành án.

Đa số ý kiến đồng tình với quan điểm thứ hai. Nếu Tòa án không tuyên kê biên, cũng không tuyên rõ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ cụ thể nào trong bản án, quyết định có người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì không có cơ sở để ưu tiên thanh toán cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó từ tiền bán tài sản khi thực hiện thanh toán thi hành án . Do còn có nhiều quan điểm khác nhau và đây cũng là trường hợp phát sinh rất nhiều trong thực tiễn, cần có quy định pháp luật cụ thể về việc thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp bản án tuyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất. 

Đọc thêm