Công chứng viên không "tài thánh" trước bản dịch

(PLO) - Sau khi dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được đưa ra bàn luận. Nhiều công chứng viên cho rằng việc công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước tính chính xác của nội dung bản dịch là bất khả thi
Công chứng viên không "tài thánh" trước bản dịch
Sáng qua 10/4, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội chuyên trách đưa ra "mổ xẻ". Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch. Công chứng viên cũng phải chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 62).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều đại biểu cho rằng, trong điều kiện số công chứng viên có khả năng chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch là rất ít, hơn nữa với sự đa dạng trong cách hiểu và dịch, quy định công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch khó bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là trong các trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. 
Vậy nên, để bảo đảm chất lượng của bản dịch, thì cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này.
Song song với những quan điểm nhiều chiều đó, báo PLVN Online đã khảo sát một số văn phòng công chứng, dịch thuật trên địa bàn Hà Nội về nội dung dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Hầu hết các đại diện văn phòng công chứng đều cho rằng, việc công chứng viên phải chịu trách nhiệm đối với bản dịch là điều không phù hợp. Vì một công chứng viên không thể biết được nhiều thứ tiếng để có thể thẩm định về nội dung bản dịch. Trong khi đó, việc văn phòng công chứng phải tuyển nhiều công chứng viên biết các thứ tiếng khác nhau, cũng là điều bất khả thi.
Đại diện văn phòng công chứng, dịch thuật Hà Thành chia sẻ: "Một công chứng viên không thể một lúc biết được nhiều thứ tiếng được. Thực sự là nếu họ mà biết nhiều thứ tiếng thì họ đã không phải là một công chứng viên mà họ đi làm dịch thuật, thu nhập sẽ cao hơn. Việc công chứng viên chỉ có thể làm là công chứng là chính người đó dịch ra, ví dụ như công chứng chính ông Nguyễn Văn A nào đấy là người dịch ra bản dịch đó".
"Hiện tại, văn phòng công chứng chỉ được phép công chứng hợp đồng giao dịch bản dịch, chứ không được công chứng bản sao của bản dịch đó. Còn về nội dung bản dịch thì lại thuộc phía phòng Tư pháp quận/huyện là người thẩm định" - vị đại diện này nói thêm.
Ngoài ra, một số đại diện của các văn phòng công chứng khác cũng cho biết, nếu dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bắt công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước bản dịch thì yêu cầu người công chứng phải có trình độ ngoại ngữ cao, để có thể thẩm định được bản dịch đúng với nội dung. Bên cạnh đó, chưa kể đến việc mỗi người lại có một cách diễn đạt khác nhau trong quá trình dịch, nên việc kiểm định cũng khá khó khăn. 
Một công chứng viên chia sẻ: "Công chứng viên có thể chịu trách nhiệm về mặt tiếng Việt in trên bản dịch, cũng như việc bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Còn về mặt nội dung bản dịch có chính xác với bản gốc hay không thì điều đó rất khó đối với mỗi công chứng viên" 
Do dự thảo luật đang được đưa ra và chưa có kết luận cuối cùng, nên các văn phòng công chứng, các công chứng viên tại Hà Nội rất mong muốn sẽ được trình bày ý kiến về việc sửa đổi Luật Công chứng tới những người làm luật.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014), hy vọng là sẽ khắc phục được những vấn đề đang "cản trở" sự phát triển của hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa./.

Đọc thêm