Công chứng viên là “công lại” của Nhà nước

(PLO) - Tại Tờ trình về Dự thảo Luật Công chứng (CC) (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại Quốc hội sáng qua (29/10), Chính phủ khẳng định Luật CC cần được sửa đổi  để “tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động CC theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động CC, từng bước phát triển nghề CC Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Công chứng viên là “công lại” của Nhà nước
Dự thảo Luật CC (sửa đổi) ngoài các nội dung kế thừa từ Luật CC năm 2006, đã sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn như phạm vi CC, theo đó giao lại cho Công chứng viên (CCV) quyền CC bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu. 
Dự luật cũng xác định rõ hơn tư cách pháp lý của CCV như “công lại” của Nhà nước, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề của mình, phải bồi thường khi gây thiệt hại cho người yêu cầu CC; đồng thời bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV; sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với CCV, tổ chức hành nghề CC, tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động CC, góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động CC.
Theo Tờ trình, những người được miễn đào tạo nghề CC đa phần đều có kiến thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, nhưng do nghề CC cần những kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu nên Dự thảo Luật bổ sung quy định người được miễn đào tạo phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ CC trước khi đề nghị bổ nhiệm CCV.     
Bên cạnh đó, Dự luật sửa đổi quy định về thời gian tập sự, theo đó, người được miễn đào tạo nghề CC không được miễn mà chỉ được giảm thời gian tập sự; quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề CC để bảo đảm việc tập sự được đánh giá một cách hiệu quả, thực chất, tránh tình trạng nhiều CCV tuy có kiến thức chuyên môn pháp lý nhưng lại yếu về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp dẫn đến sai sót, sai phạm trong quá trình hành nghề.
Hạn chế việc tùy tiện tạm ngừng hoạt động Văn phòng Công chứng
Đối với quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề CC, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định tạo cơ sở pháp lý giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật CC, phù hợp với tính chất dịch vụ công của hoạt động CC. Theo Chính phủ, Văn phòng Công chứng (VPCC) thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Phòng CC chỉ được thành lập ở những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được VPCC để đáp ứng yêu cầu của người dân.
VPCC chỉ có quyền tạm ngừng hoạt động nếu có lý do chính đáng hoặc trong trường hợp bất khả kháng, nhằm hạn chế việc tạm ngừng hoạt động VPCC một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người yêu cầu CC; quy định về việc chuyển nhượng VPCC trong trường hợp có nhu cầu hoặc Trưởng VPCC chết, bị tuyên bố mất tích hoặc không đủ sức khỏe để hành nghề, nhằm giữ vững sự ổn định, kế thừa, duy trì hoạt động của VPCC cũng như bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người yêu cầu CC. 
Dự thảo Luật cũng quy định về việc chuyển đổi Phòng CC thành VPCC khi không cần thiết duy trì Phòng CC để tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động CC, tiết kiệm ngân sách, biên chế cho Nhà nước, tiến tới chỉ còn một hình thức tổ chức hành nghề CC là VPCC, tương tự như ở các nước chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.  
Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động Công chứng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật CC nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự phát triển bền vững của hoạt động CC, đội ngũ CCV... , nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số vấn đề đang còn là vướng mắc, bất cập, cần được sớm giải quyết trong thực tế cũng như làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định trong Dự thảo Luật này. 
Ý kiến chung trong Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với chủ trương cần khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV dựa trên nhu cầu tự nguyện, tự quản và phù hợp với quy định chung về các tổ chức, hội nghề nghiệp nói chung. 
Trong quá trình thẩm tra, có ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề CC theo hướng cho phép các tổ chức này cùng thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký trong những trường hợp pháp luật có yêu cầu như UBND cấp xã, Phòng tư pháp cấp huyện đang thực hiện hiện nay nhằm giảm tải cho các UBND cấp xã, các Phòng Tư pháp cấp huyện và tạo thuận tiện cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của mình trong điều kiện thực tế hiện nay. 
Ủy ban Pháp luật tán thành với chủ trương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động CC với các giải pháp được đề ra trong Tờ trình và Dự thảo Luật với lộ trình thích hợp. Bên cạnh đó, có một số ý kiến một mặt tán thành với việc cần có quy hoạch để bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động CC nhưng còn băn khoăn về việc lập Quy hoạch và xác định số lượng tổ chức hành nghề CC tại mỗi địa phương (theo đơn vị cấp huyện) vì trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước còn chưa đồng đều, cùng với tính phức tạp, thiếu ổn định của hệ thống pháp luật đã khiến cho nhận thức cũng như nhu cầu về hoạt động CC trong dân cư có sự khác biệt giữa các vùng miền, khó có điều kiện phát triển thêm các VPCC tư nhân tại các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.... 
Vì vậy, rất cần thiết duy trì các Phòng CC nhà nước ở các địa bàn này. “Do đó, trong công tác quy hoạch, quản lý các tổ chức hành nghề CC, cần đặc biệt lưu ý đến tính chất, đặc điểm cũng như nhu cầu của từng địa phương, tránh cách làm áp đặt, chủ quan, gây khó khăn cho CCV, cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu CC cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của xã hội nói chung” – báo cáo thẩm tra lưu ý. 

Đọc thêm