Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật: Ngày càng bảo đảm tiến độ và chất lượng

(PLO) - Công tác thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được đánh giá dần đi vào nền nếp, có chất lượng hơn, góp phần nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản. 
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật: Ngày càng bảo đảm tiến độ và chất lượng

Bộ Tư pháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã thẩm định tổng số 141 đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản (gồm 24 đề nghị xây dựng và 117 dự án, dự thảo văn bản). Nhìn chung, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015).

Các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đã thể hiện đầy đủ các nội dung thẩm định theo quy định của Luật năm 2015; thể hiện rõ quan điểm, ý kiến của mình về việc đề nghị xây dựng văn bản hay dự án, dự thảo văn bản có đủ hay không đủ điều kiện trình Chính phủ. Nhìn chung, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản hoặc soạn thảo dự án, dự thảo văn bản tiếp thu, giải trình cụ thể.

 Về tiến độ, công tác thẩm định được thực hiện bảo đảm thời hạn theo đúng quy định của Luật năm 2015; trong một số trường hợp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tập trung nguồn lực, rút ngắn thời gian thẩm định, như thẩm định các đề nghị xây dựng các luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy hoạch. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp nhìn nhận, công tác thẩm định của Bộ thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng các báo cáo thẩm định chưa đồng đều. Nội dung của một số báo cáo thẩm định còn hình thức, sơ sài, xuôi chiều, chưa thực sự mang tính phản biện đối với đề nghị xây dựng văn bản hay dự án, dự thảo văn bản; tiến độ thẩm định một số đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản còn chậm so với quy định.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là trong thời gian đầu triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, một số bộ, ngành còn gặp khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, Luật năm 2015 đã quy định bổ sung việc thẩm định đề nghị xây dựng văn bản nên khối lượng việc thẩm định của Bộ Tư pháp tăng gấp đôi so với trước đây trong khi công chức trực tiếp làm công tác thẩm định còn thiếu so với khối lượng, tính chất công việc cần thực hiện.

Để nâng cao chất lượng công tác thẩm định của Bộ Tư pháp trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật 2015 về công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 2410/QĐ-BTP ngày 27/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Đồng thời, tiếp tục phát huy cơ chế thẩm định thông qua việc thành lập Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định. Ngoài thành phần bắt buộc theo quy định của Luật năm 2015, cần thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, đại diện đối tượng chịu sự tác động của văn bản để bảo đảm ý kiến thẩm định chính xác, khách quan, toàn diện. 

Đối với một số đề nghị xây dựng văn bản hoặc dự án, dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ Tư pháp đề nghị cần tổ chức toạ đàm, làm việc trực tiếp với cơ quan chủ trì để trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề trước khi thẩm định hoặc trước khi có báo cáo thẩm định chính thức. Bộ Tư pháp thành lập Nhóm chuyên gia chuyên trách về thẩm định để tham gia thẩm định các đề nghị và dự án, dự thảo văn bản phức tạp, nhạy cảm.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thẩm định, kiên quyết trả lại hồ sơ các dự án, dự thảo không đủ điều kiện thẩm định; thể hiện quan điểm rõ ràng của Bộ Tư pháp trong báo cáo thẩm định, tránh tình trạng nể nang, ngại va chạm; Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Quyết định phân công thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp tham gia đầy đủ các cuộc họp thẩm định, tư vấn thẩm định.

Đọc thêm