Công tác Thi hành án dân sự 2020: Biến khó khăn thành động lực, tiếp tục phát triển bền vững

(PLVN) - Năm 2020 qua đi trong bối cảnh đất nước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid tuy nhiên, với tâm thế chủ động, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) trong cả nước đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn chủ trì hội nghị triển khai công tác của Cục THADS Thái Nguyên.
Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn chủ trì hội nghị triển khai công tác của Cục THADS Thái Nguyên.

Sáng tạo trong cách làm, hiệu quả trong công việc

Năm 2020, Cục THADS tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” thay thế Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 04/01/2011. Chỉ thị đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về THADS.

Xác định công tác THADS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác THADS.

Năm 2020 cũng là năm đánh dấu công tác phối hợp giữa THADS với các ngành có nhiều chuyển biến tích cực thông qua hàng loạt Quy chế được ký kết và thực hiện có hiệu quả như Quy chế phối hợp giữa THADS với các ngành: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Bưu điện tỉnh, Trại giam Phú Sơn 4  …

Qua đó, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả THADS trong thực tiễn. Do đó, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, kinh tế xã hội đất nước nói chung và Thái Nguyên có nhiều khó khăn, số thụ lý mới về tiền tăng đột biến (137,62%), song 10/10 đơn vị trên địa bàn đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, đạt 87,29% về việc và 52,37% về tiền.

Còn tại Khánh Hoà, để tiếp tục phát huy hiệu quả các Quy chế phối hợp đã ký kết, Cục THADS tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như: phân công nhiệm vụ cho các Thành viên Tổ công tác phối hợp với Trại giam A2 để tuyên truyền pháp luật cho phạm nhân và phối hợp định kỳ hàng tháng thu các khoản tiền trong các bản án hình sự; tăng cường phối hợp với các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng trên địa bàn như: Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Quy chế phối hợp đã ký với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Khánh Hòa và Bản ghi nhớ với 07 ngân hàng trên địa bàn; triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong việc tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng trên địa bàn.

Lãnh đạo Cục thường xuyên trực tiếp kiểm tra và đôn đốc các đơn vị đang tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng đẩy mạnh tiến độ giải quyết các vụ việc, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xác minh, tổ chức THA và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải để giải quyết dứt điểm vụ việc. 

Các cơ quan THADS tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo THADS cấp tỉnh và cấp huyện theo quy định. Đến nay hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, cũng như cấp huyện đã khẳng định được vai trò đối với công tác THADS.

Ngoài ra Khánh Hoà còn thực hiện mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, ưu tiên những địa bàn nhiều án, khó khăn, phức tạp đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm...

Còn tại Nghệ An, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Lãnh đạo Cục đã thành lập 03 Đoàn công tác trực tiếp làm việc với 21/21 Chi cục trực thuộc để kiểm tra, nắm tình hình, kết quả công tác Quý I và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. 

Định kỳ hàng tháng, quý, Cục THADS tỉnh Nghệ An tổ chức giao ban nhằm kiểm điểm, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị, qua đó, đi sâu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc cụ thể. Cục THADS thường xuyên kiện toàn Hội đồng Chấp hành viên; kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng; tổ chức Hội nghị với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng TMCP trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng...

Qua đó, thường xuyên nắm rõ nội dung, cũng như tiến độ xử lý đối với những hồ sơ thi hành án lớn, cũng như khó khăn, vướng mắc của các đơn vị cấp huyện để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thi hành nhằm nâng cao kết quả thi hành án.

Ngoài ra, một số Chi cục đã có những cách làm hay, giải pháp có hiệu quả, mang tính bền vững, điển hình như: Chi cục THADS thành phố Vinh đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố và UBND các xã, phường phối hợp giải quyết đợt thi hành án cao điểm đối với các đối tượng phải thi hành án trong các vụ án đánh bạc; Chi cục THADS huyện Tân Kỳ đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thành lập “Tổ vận động thi hành án” tại cấp xã…

Năm 2021 tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm

Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2020 và cả nhiệm kỳ, công tác THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và cấp uỷ, chính quyền các cấp, qua đó tạo sự ổn định và phát triển bền vững trên tất cả các hoạt động. Các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án được hoàn thiện theo các yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống THADS được kiện toàn, củng cố, ngày càng hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp; vị thế của các cơ quan THADS trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước được nâng lên. Công tác phối hợp, nhất là phối hợp liên ngành trong công tác THADS được chú trọng và phát huy hiệu quả.

Cục THADS Khánh Hoà ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Khánh Hoà.
 Cục THADS Khánh Hoà ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Khánh Hoà.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động THADS được quan tâm, tăng cường đáng kể; trụ sở, điều kiện, trang thiết bị làm việc được nâng cấp và bảo đảm tốt hơn cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. 

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác THADS, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 về việc tăng cường công tác THADS; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC.

Trong 5 năm qua, Hệ thống THADS trong toàn quốc đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm và các vụ việc liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, khoản nợ của các tổ chức tín dụng (như: vụ Vinalines, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh...). Nhiều biện pháp giải quyết việc thi hành án tồn đọng đã được Bộ Tư pháp và các địa phương áp dụng, thực hiện. 

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận, số lượng vụ việc THADS tiếp tục tăng cao, là thách thức lớn trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng còn thấp so với yêu cầu; tiếp tục có nhiều vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá; Vẫn còn sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án….

Năm 2021, toàn ngành Tư pháp sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao năm 2021.

Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng. 

Cùng với đó là tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ THADS. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trụ sở làm việc, kho vật chứng cho các cơ quan THADS. Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong THADS. 

Năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng kết quả công tác THADS đạt được rất đáng ghi nhận, cụ thể, trong đó số việc có điều kiện thi hành; đã thi hành xong là 576.933 việc, giảm 2.323 việc (giảm 0,40%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 81,41% (tăng 2,82%) so với cùng kỳ năm 2019, vượt chỉ tiêu được giao 1,41%. 

Về tiền, đã thi hành xong là 53.750 tỷ 695 triệu 824 nghìn đồng, tăng 1.035 tỷ 043 triệu 763 nghìn đồng (tăng 1,96%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 40,09% (tăng 4,66%) so với cùng kỳ năm 2019, vượt chỉ tiêu được giao 2,09%. Trên toàn quốc, có 47 địa phương hoàn thành cả 02 chỉ tiêu được giao về việc và về tiền.

Điểm nhấn trong năm 2020 là các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 15 nghìn tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; trong đó có trên 14 nghìn tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. 

Tính trong nhiệm kỳ 2016-2020, về cơ bản, kết quả THADS năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước), thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Công tác theo dõi thi hành án hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Đọc thêm