Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ

(PLO) - Ngay trước thềm năm mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017 với trọng tâm, liên ngành là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này thể hiện quyết tâm của Bộ, ngành Tư pháp trong việc cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, hỗ trợ khởi nghiệp.
Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ

Lan tỏa từ các bộ, ngành, địa phương

Trong vài năm gần đây, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện bài bản. Ví dụ tại tỉnh Hậu Giang, ngoài việc theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật và theo lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, hàng năm, UBND còn chủ động chọn ít nhất 2 lĩnh vực để tổ chức theo dõi như đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; thi hành án dân sự; theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho người có công… 

Cụ thể, năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 24 ngày 1/4/2016 theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh.

Sau khi ban hành kế hoạch, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác này. Qua đó ghi nhận tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng mới trên 1.000 căn nhà cho người có công với cách mạng trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện trên 100 tỉ đồng. Việc làm này góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là việc chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; tạo điều kiện cho người có công an tâm lao động, sản xuất.

Đạt kết quả trên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Tuyền, là do trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai, đồng thời có sự phân công chặt chẽ cho các thành viên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Năm 2017, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung vào lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân…

Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2017 sớm nhất. Theo đó, từ cuối năm 2016, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã ký Quyết định số 4061/QĐ-BGTVT của Bộ nhằm triển khai nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kế hoạch cũng yêu cầu phải kịp thời nắm bắt tình hình thi hành pháp luật trong toàn ngành; đôn đốc, tổ chức và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, thu thập thông tin, đánh giá, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải và tổng hợp, xây dựng báo cáo về theo dõi thi hành pháp luật.

Tiếp sau, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 5116/QĐ-BCT về Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017 của Bộ. Quyết định số 5116 không chỉ bảo đảm sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các tổ chức, cá nhân có liên quan; gắn kết chặt chẽ giữa theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính mà còn xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng đơn vị trong việc triển khai thực hiện công việc được giao trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo với các nội dung thanh/kiểm tra khác.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu năm 2017 cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với 02 lĩnh vực trọng tâm là cạnh tranh và kinh doanh khí. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề…

Đến quyết tâm của Bộ, ngành Tư pháp

Trong không khí vui tươi đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2017 (kèm theo Quyết định số 108/QĐ-BTP).

Theo Kế hoạch nêu trên, lĩnh vực trọng tâm, liên ngành được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương lựa chọn để tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động. 

Kế hoạch xác định 5 nội dung chính cần thực hiện gồm: Xây dựng và ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Xây dựng và ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Tổ chức thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, xuất phát từ mục đích nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hồ sơ, thủ tục công chứng và đăng ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017 được ban hành ngay trong tháng 1/2017 đã thể hiện quyết tâm của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong việc cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. So với các năm trước, Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017 đã xác định lĩnh vực theo dõi ở cả “diện” (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động) và cả “điểm” (lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp, thương mại; thông tin - truyền thông và xây dựng). 

Đọc thêm