Đại hội đại biểu công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II: “Dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới”

(PLO) - Sáng nay (8/8), Đại hội đại biểu công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội. 
Đại hội đại biểu công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II: “Dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới”
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam Nguyễn Giang Tuệ Minh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; nguyên lãnh đạo Công đoàn Bộ Tư pháp qua các thời kỳ cùng gần 200 công đoàn viên đại diện cho hơn 1.400 đoàn viên công đoàn thuộc 36 tổ chức công đoàn thuộc Bộ Tư pháp đã tham dự Đại hội. Đây là lần thứ 2 Công đoàn Bộ Tư pháp tổ chức đại hội với tư cách là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. 
Không ngừng lớn mạnh và phát huy trách nhiệm người đại diện
Báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp khoá I về công tác công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ qua cho thấy, trong 5 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động, của tổ chức công đoàn trực thuộc, công đoàn Bộ Tư pháp đã hoàn thành nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với 5 chỉ tiêu cơ bản và 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu với nhiều kết quả được ghi nhận, phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. 
Ông Hoàng Sỹ Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội khẳng định: “Hoạt động của các cấp công đoàn Bộ Tư pháp thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, phát huy được trách nhiệm là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, lao động; chủ động sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”. 
Các báo cáo và tham luận tại Đại hội cũng khẳng định, nhiệm kỳ qua, Công đoàn Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu, nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật, chế độ chính sách; đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, công chức, viên  chức và người lao động. 
Công đoàn cũng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động; Chú trọng hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao. Việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động được tổ chức với nhiều hình thức sáng tạo. 
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Bộ Tư pháp đã có những bước phát triển tích cực trong công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Bộ Tư pháp được nâng cấp lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vào tháng 11/2009. 
Tại thời điểm Đại hội lần thứ nhất năm 2010, Công đoàn Bộ Tư pháp có 26 tổ chức công đoàn trực thuộc, đến nay, công đoàn Bộ Tư pháp đã thành lập mới 3 công đoàn cơ sở, nâng cấp được 21 tổ Công đoàn lên Công đoàn cơ sở, tiếp nhận Công đoàn bộ phận Cục kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng chính phủ về, đưa tổng số công đoàn trực thuộc Công đoàn Bộ Tư pháp lên 36 đơn vị, tăng 10 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ, gồm 26 công đoàn cơ sở (tăng 24 đơn vị) và 10 Tổ công đoàn. 
Thực hiện hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt  Nam, công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Căn cứ theo tiêu chuẩn của Công đoàn viên chức Việt Nam, nhiều công đoàn cơ sở đã đổi mới nội dung và phương pháp công tác, do đó hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. 
Từ năm 2014, Công đoàn Bộ tư pháp đã phân cấp việc kết nạp đoàn viên công đoàn cho các công đoàn cơ sở, qua đó các công đoàn cơ sở đã chủ động, kịp thời kết nạp đoàn viên tại đơn vị, khắc phục tình trạng chậm chễ trong việc phát triển đoàn viên. Đến cuối nhiệm kỳ, qua báo cáo của các đơn vị, Công đoàn Bộ đã có 1.411 đoàn viên công đoàn, tăng 435 đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ, trong đó số nữ đoàn viên chiếm trên 60%. 
Cần chú trọng hơn việc chăm lo, cải thiện đời sống người lao động
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp thực hiện, Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II đã thảo luận và nhất trí với 8 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho công tác công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020. 
Theo đó, mục tiêu của nhiệm kỳ 2015 - 2020 được Đại hội đại biểu công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II xác định là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh”.  
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư pháp ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và các kết quả đã đạt được của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên công đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015. 
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ cũng như những chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội đã xác định cho nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư pháp đặc biệt lưu ý: “Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, Bộ, ngành Tư pháp lại được giao nhiều nhiệm vụ mới, đầy thách thức, yêu cầu đòi hỏi mỗi tổ chức công đoàn và đoàn viên công đoàn phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra”. 
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng đề nghị Ban Chấp hành công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020 cần tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ trước, tích cực tìm tòi các giải pháp, sáng tạo hơn nữa trong việc chăm lo, cải thiện đời sống cho người lao động. 
Ấn tượng với sự lớn mạnh về tổ chức cũng như những kết quả mà Công đoàn Bộ Tư pháp đã đạt được, phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam Nguyễn Giang Tuệ Minh cho biết, Công đoàn viên chức Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà Công đoàn Bộ Tư pháp đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, các cấp công đoàn của Bộ Tư pháp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, sáng tạo và đạt được nhiều thành tích trong công tác. 
Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam Nguyễn Giang Tuệ Minh đặc biệt đánh giá cao vao trò là cầu nối của Công đoàn Bộ Tư pháp trong việc phối hợp với Công đoàn viên chức Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kỹ năng, trình độ tuyên truyền pháp luật cho cán bộ công đoàn và mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Công đoàn Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối ý nghĩa và hiệu quả này. 
Sau gần 1 ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Đại hội đại biểu công đoàn Bộ Tư pháp lần thứ II đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Công đoàn Bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 với 23 uỷ viên, đại diện cho hơn 1.400 công đoàn viên các đơn vị thuộc Bộ. Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp được Hội nghị Ban Chấp hành phiên thứ nhất tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020. 
Các ông, bà: Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Phan Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Khương Thị Thanh Huyền, Phó Chánh văn phòng Đảng - Đoàn Thể, Chánh văn phòng Công đoàn Bộ được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020.
* Công đoàn Bộ Tư pháp xác định 8 chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm:
100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Công đoàn các cấp. 
100% các Công đoàn trực thuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Công đoàn Bộ, Công đoàn viên chức Việt Nam  và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. 
Hàng năm, có từ 90% trở lên công đoàn cơ sở đạt danh hiệu “Xuất sắc”, có từ 80% trở lên công đoàn cơ sở đạt danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc”, không có công đoàn cơ sở yếu kém; trên 90% nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động đạt tiêu chuẩn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp. 
Hàng năm, 100% các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động bảo đảm nội dung và hình thức đúng quy định. 
80% cán bộ công đoàn kiêm nhiệm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn. 
100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đủ điều kiện được tuyên truyền, kết nạp vào công đoàn. 
Hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú để tổ chức Đảng xem xét, kết nạp. 
100% công đoàn viên chức được học tập Chỉ thị số 03-CT/BTC về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chuẩn mực đạo đức ngành Tư pháp. 
Quán triệt sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Tư pháp, Đại hội đại biểu công đoàn Bộ Tư pháp xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và công tác chỉ đạo, thực hiện, gồm: 
Vận động cán bộ, đoàn viên nâng cao chất lượng tham mưu, nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động; tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trươg, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. 
Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên  và người lao động. 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vững mạnh toàn diện. 
Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. 
Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. 
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác nữ công, công tác kiểm tra, công tác tài chính. 

Đọc thêm