Đăng ký và thống kê hộ tịch: Cần quan tâm đầu tư kinh phí

(PLO) - Sau thời gian thí điểm ban đầu chỉ triển khai phần mềm đăng ký khai sinh điện tử tại 4 tỉnh, thành phố, giai đoạn tiếp theo, Bộ Tư pháp đã triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung và mở rộng phạm vi áp dụng tại 29 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, thúc đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử toàn quốc đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này.
Sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đem lại nhiều thuận tiện, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước.
Sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đem lại nhiều thuận tiện, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước.

Trước đây, tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đồng bộ nên việc thực hiện các quy định của Luật Hộ tịch liên quan đến thủ tục đăng ký hộ tịch còn nhiều vướng mắc. Tại địa bàn các tỉnh chưa sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử, chưa có phần mềm kết nối với CSDL quốc gia về dân cư nên chưa cấp được số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, việc thống kê số liệu hộ tịch còn có sai sót, chậm trễ do phải làm thủ công...

Từ khi triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, trong đó có phân hệ đăng ký khai sinh điện tử, các địa phương cơ bản đã khắc phục được những bất cập trên, tạo sự kết nối chia sẻ dữ liệu đa chiều giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch, bảo đảm sự quản lý thống nhất đối với dữ liệu được đăng ký trong hệ thống, không chỉ cung cấp, khai thác thông tin mà còn kiểm tra, tránh trùng lặp sự kiện hộ tịch. Từ đó, giúp cơ quan quản lý cấp trên theo dõi, nắm bắt, kiểm tra được tính chính xác, kịp thời đồng thời giúp việc thống kê số liệu được nhanh chóng, chính xác, đầy đủ thông tin theo yêu cầu quản lý, đặc biệt cơ quan quản lý cấp trên có thể chủ động thống kê, tổng hợp, không phụ thuộc vào báo cáo của cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới.

Việc triển khai hệ thống thông tin hộ tịch điện tử trên phạm vi rộng và định hướng sẽ áp dụng trên toàn quốc trong thời gian tới còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 theo Quyết định số 101/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính ban hành ngày 23/1/2017. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực tài chính phục vụ cho công tác triển khai Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ Tư pháp mới chỉ được cấp ngân sách để triển khai Dự án thí điểm Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch tại một số địa phương với mục đích đáp ứng các yêu cầu cơ bản của công tác đăng ký và thống kê dữ liệu hộ tịch. Do đó, hệ thống này chưa có các công cụ, tiện ích phục vụ tạo lập CSDL hộ tịch điện tử; theo dõi, quản lý, đồng bộ dữ liệu công dân với CSDL quốc gia về dân cư cũng như chưa có các tiện ích phục vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu hộ tịch để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính...

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm, bố trí ngân sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác đăng ký và thống kê hộ tịch. Song song với đó, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tin học cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Bộ Tư pháp, các địa phương cần tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, đặc biệt là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin thực sự hiệu quả.

Đọc thêm