Đánh giá cải cách thủ tục trên cơ sở sự hài lòng của người dân

(PLO) - Sáng 7/2, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2014. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Lê Thành Long đồng chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tới tham dự hội nghị còn có sự tham dự của Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện nhiều đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và toàn thể cán bộ, công chức Cục Kiểm soát TTHC.
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tổng kết năm 2013 cho thấy, mặc dù là một đơn vị mới thuộc Bộ Tư pháp nhưng Cục Kiểm soát TTHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác từ cơ bản hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, kiện toàn bộ máy làm công tác kiểm soát TTHC đến tham gia ý kiến, phối hợp thẩm định đối với 156 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC; kiểm soát chất lượng hơn 12 nghìn hồ sơ TTHC… 
Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát TTHC còn những hạn chế, vướng mắc. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng tiếp nhận, giải quyết TTHC không đúng quy định vẫn tồn tại như quá thời hạn giải quyết, đặt thêm yêu cầu, điều kiện, thành phần hồ sơ buộc cá nhân, tổ chức phải tuân thủ. 
Vì vậy, trong năm 2014, nhiệm vụ hàng đầu của công tác kiểm soát TTHC là tiếp tục tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, đề án nhằm hoàn thiện thể chế cho công tác này, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, phổ biến rộng rãi sáng kiến cải cách TTHC hữu ích trong toàn quốc để bảo đảm tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, tổ chức. 
Cụ thể, xây dựng, trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền; Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú/tạm trú – đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú; Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Ngoài ra, sẽ đôn đốc đơn giản hóa 696 TTHC tại các nghị quyết của Chính phủ năm 2010 và các TTHC theo phương án đơn giản hóa được rà soát theo Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kiên quyết công bố, công khai TTHC theo đúng quy định và xác định đây là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động TTHC tại các đơn vị soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc cho ý kiến, thẩm định TTHC…
TTHC phải đơn giản nhưng chặt chẽ, công bằng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) dẫn chứng sự “lắt léo” trong việc xây dựng, ban hành, sửa đổi Thông tư 55 thành Thông tư 48 về xếp hạng doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp loại A hạ cấp xuống loại B, thậm chí loại C và tổ chức đại diện doanh nghiệp sẽ mất nhiều năm nữa “đấu tranh” với Thông tư 48. 
“Điều này cho thấy một thực trạng rất đáng lo ngại là bộ máy hành chính Nhà nước đang hình thức hóa việc cải cách TTHC theo hướng ngày càng sâu sắc hơn trong việc bảo hộ quyền lợi của riêng mình” – ông Hữu Dũng phản ánh và cho rằng phải có giải pháp về cách tổ chức thực hiện để khắc phục hạn chế trên, bảo đảm tính khả thi của công tác kiểm soát TTHC.
Cùng với kiến nghị ngành Tư pháp cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng còn đề xuất phải tạo “động lực khác” cho hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC. Ông Sỹ Dũng phân tích, động lực này có thể nằm ở những cải cách thể chế cao hơn thì “chúng ta phải tham mưu”, nhưng có thể kiến nghị ngay như hàng năm phải đánh giá hiệu quả của bộ máy hành chính trên cơ sở sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp. 
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, kiểm soát là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách TTHC, góp phần phòng chống tham nhũng nên trong thời gian tới, cần tập trung một số vấn đề như hoàn thiện thể chế, tạo ra những TTHC chặt chẽ nhưng đơn giản, đảm bảo tính công bằng; chú trọng giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ TTHC. Bên cạnh đó, hoàn thiện thủ tục ở những nơi còn trống thủ tục, trống trách nhiệm; đấu tranh loại bỏ lợi ích ngành trong xây dựng cơ chế, chính sách…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận những kết quả đạt được và chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác kiểm soát TTHC trong năm vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, những cải cách có lợi cho dân chắc chắn được người dân đồng tình, ủng hộ, do đó sẽ rất thuận lợi cho công tác kiểm soát TTHC.
Muốn vậy, phải nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ các cấp về vị trí, vai trò của công tác kiểm soát TTHC; tham mưu trình cấp có thẩm quyền các văn bản, đề án nêu trên, đặc biệt là tổ chức thực hiện rõ nét Đề án 896 về đơn giản hóa giấy tờ công dân; triển khai hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, giúp người dân dễ dàng thực hiện quyền được yêu cầu giải quyết TTHC; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong đánh giá cải cách TTHC đối với những lĩnh vực được lựa chọn…

Đọc thêm