Đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật: Nghiêm túc triển khai

(PLO) - Cuối tuần qua, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật của Bộ Tư  pháp đã có cuộc họp đầu tiên để xem xét kết quả đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2014 của 5 địa phương làm thử theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
Bưu điện văn hóa xã là nơi để người dân tiếp cận pháp luật
Bưu điện văn hóa xã là nơi để người dân tiếp cận pháp luật
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định: Mặc dù là nhiệm vụ mới, lại đang trong quá trình làm thử nhưng các địa phương đều nghiêm túc tổ chức thực hiện Quyết định số 09.
Chưa địa phương nào đủ điều kiện công nhận
Báo cáo kết quả làm thử của các địa phương, Q.Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân cho biết, kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) đã có những tác động tích cực đến việc đảm bảo điều kiện TCPL của người dân ở cơ sở. 
Cụ thể, giúp chính quyền các cấp nâng cao nhận thức về thực trạng thực thi pháp luật tại địa phương; tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo cơ sở vật chất, các điều kiện khác nhằm nâng cao chất lượng TCPL của người dân tại cơ sở, từ đó có giải pháp xây dựng các thiết chế TCPL tốt hơn. Việc đánh giá từng tiêu chí TCPL thì giúp cán bộ, công chức trong thi hành công vụ nhận rõ được những ưu điểm, tồn tại và hạn chế để từ đó rút ra kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục. 
Quan trọng hơn là giúp người dân ở cơ sở nắm bắt, thực hiện và được quyền TCPL liên quan đến đời sống của mình; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân được tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống khu dân cư cũng như được hưởng những chính sách xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động đánh giá của 5 địa phương rất chậm, đến nay vẫn còn 1 địa phương chưa gửi hồ sơ đánh giá về Bộ Tư pháp. Căn cứ điều kiện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn TCPL (phải có trên 70% số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn; có trên 70% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; không có xã, phường, thị trấn nào đạt dưới 500 điểm) và kết quả tự đánh giá của các địa phương, Vụ đề xuất Hội đồng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chưa công nhận 4 địa phương làm thử đạt chuẩn TCPL năm 2014.
Do mới năm đầu làm thử nên theo một số thành viên Hội đồng, cần trân trọng thái độ đánh giá thực chất của các địa phương, có thể có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên kịp thời. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng nhận định, quá trình tổ chức đánh giá đạt chuẩn TCPL, các ngành, các cấp, các địa phương nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL và nghiêm túc tổ chức thực hiện Quyết định số 09, đồng thời nhất trí thông qua kết quả tự đánh giá của địa phương. 
Đề xuất sớm sửa đổi Quyết định số 09
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng cũng cho ý kiến đối với một số vấn đề về chủ thể, đối tượng đánh giá; nội dung đánh giá của các tiêu chí tiếp cận; thời gian đánh giá; cách thức đánh giá; thẩm quyền đánh giá, công nhận đạt chuẩn TCPL; việc khen thưởng và hướng hoàn thiện thể chế về TCPL. 
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) cho rằng, phải có bộ tiêu chí cụ thể để tiếp tục thí điểm và những tiêu chí nào phù hợp cần sửa đổi kịp thời. Không những thế, tiêu chí TCPL nên có sự xâu chuỗi, liên kết với các tiêu chí, chỉ số khác như chỉ số cải cách hành chính, tiêu chí nông thôn mới…
Phó Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Phạm Thu Hương chia sẻ kinh nghiệm từ việc đang triển khai đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015. 
Theo đó, chỉ điều tra xã hội để xác định chỉ số hài lòng trong 6 lĩnh vực gồm 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện là cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở và 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp xã là cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực. Vì vậy, bà Hương đề xuất, việc đánh giá chuẩn TCPL cũng nên lựa chọn những lĩnh vực thiết thân với người dân và mở rộng thêm địa phương đại diện cho 7 vùng miền.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang nhất trí hoàn toàn với việc tập trung sửa đổi, bổ sung Quyết định 09 theo hướng ban hành một quyết định thay thế Quyết định 09. Tuy nhiên, bà Trang kiến nghị nên nghiên cứu phân tích xem nhóm chỉ tiêu nào dễ thực hiện, nhóm chỉ tiêu nào dễ đạt được và nhóm nào khó triển khai thì mới có thể sửa đổi, đồng thời kéo dài thời gian tổ chức đánh giá định kỳ 2 – 3 năm/lần. 

Đọc thêm