Đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Đảm bảo tính toàn diện

(PLO) -Thực hiện kế hoạch công tác năm 2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, chiều qua (27/12), Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã chủ trì cuộc họp tư vấn thẩm định Dự thảo Thông tư này.
 
Đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Đảm bảo tính toàn diện

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa khẳng định, thời gian qua, công tác PBGDPL đã có những bước phát triển mới, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, trong đó có sự ra đời của Luật PBGDPL đã tạo cơ sở pháp lý đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả. Từ đó, góp phần giúp sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn những hạn chế nhất định. Để có được những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cần có sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, toàn diện, khách quan, khoa học về những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác này, từ đó thúc đẩy công tác PBGDPL phát triển. Do đó, việc xây dựng Bộ tiêu chí là vô cùng cần thiết, đồng thời cũng là nhiệm vụ đã được xác định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL đã quy định “ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”.

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL gồm 2 nhóm tiêu chí. Nhóm tiêu chí chung gồm: về công tác nhà nước; về bảo đảm quyền được thông tin, phổ biến pháp luật của công dân; về điều kiện bảo đảm; về thực hiện chính sách xã hội hóa và về hiệu quả tác động. Nhóm tiêu chí này được xây dựng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành các nhiệm vụ về PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ hoặc công việc được giao; các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn lực tối thiểu nhằm bảo đảm hiệu quả công tác PBGDPL, đồng thời đo lường hiệu quả tác động của hoạt động PBGDPL trên thực tế. Còn nhóm tiêu chí riêng áp dụng với từng nhóm chủ thể khác nhau, bao gồm đối với bộ, cơ quan ngang bộ và đối với UBND cấp tỉnh.

Về thời gian thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí, Dự thảo đề xuất phương án thực hiện đánh giá định kỳ 2 năm/lần. Quy định như vậy một mặt giảm tải áp lực cho bộ, ngành, địa phương trong thực hiện đánh giá, đồng thời tạo điều kiện cho chủ thể có thẩm quyền có thời gian chuẩn bị thực hiện hoạt động đánh giá, thẩm định đối với các đối tượng được lựa chọn, bảo đảm việc thực hiện Bộ tiêu chí được tiến hành liên tục, thông suốt, hiệu quả.

Về phương thức đánh giá hiệu quả pháp luật, có quan điểm cho rằng việc đánh giá thẩm định, xếp hạng sẽ được thực hiện bằng hình thức lựa chọn ngẫu nhiên 20% bộ, ngành, địa phương. Như vậy sẽ giúp giảm tải gánh nặng công việc, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được đánh giá và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá kiểm tra, tuy nhiên sẽ thiếu tính toàn diện và chưa thực sự công bằng cho tất cả các đối tượng được đánh giá do thời điểm đánh giá khác nhau.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng việc đánh giá, thẩm định, chấm điểm, xếp hạng cần thực hiện đối với tất cả các đối tượng áp dụng nhằm đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, có tính toàn diện, tổng thể, tạo thuận lợi cho việc so sánh, đánh giá, đối chiếu. Song, quy định này sẽ phần nào tạo nhiều áp lực cho cơ quan tổ chức được đánh giá và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá kiểm tra trong bối cảnh khối lượng công việc nhiều, yêu cầu cao như hiện nay.

Về xếp hạng, Dự thảo Thông tư quy định việc xếp hạng bộ, ngành, địa phương theo số điểm từ cao xuống thấp để nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời giúp thấy được toàn cảnh hiệu quả công tác PBGDPL, tạo cơ sở để thực hiện khen thưởng và nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng mục đích của Bộ tiêu chí đặt ra là nhằm đánh giá toàn diện, thực chất, hiệu quả hoạt động PBGDPL trong cả nước, từ đó thấy được những địa phương, khu vực mà công tác PBGDPL còn yếu để hỗ trợ và những khu vực, địa phương mạnh để khích lệ, nhân rộng. Đây là những chất liệu quan trọng giúp hoạt động chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện công tác PBGDPL trong tương lai được hiệu quả và thiết thực. Việc xếp hạng theo số thứ tự và kết quả từ cao xuống thấp cũng đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về công tác PBGDPL nên quy định như Dự thảo là hợp lý.

Tuy nhiên, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tỏ ra băn khoăn khi 2 năm mới thực hiện đánh giá đánh giá được 20% bộ, ngành, địa phương, như vậy sẽ mất 10 năm để có thể đánh giá được bức tranh tổng thể. Do đó, việc xếp hạng theo điểm từ cao xuống thấp là không khả quan, đề xuất xếp loại theo các mức độ không hoàn thành, hoàn thành, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc sẽ hợp lý hơn. Bày tỏ đồng tình, đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần đánh giá tổng thể ở cùng một thời điểm bởi đánh giá 20% chỉ mang tính chất kiểm tra, thiếu khách quan. Còn đại diện Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đề xuất thêm, cần có tiêu chí để nhận diện, đánh giá được chuyển biến trong nhận thức của các cá nhân, tổ chức chứ không chỉ đánh giá đơn thuần qua các vụ việc, sự kiện.

Đọc thêm