Đào tạo “ba chung”: Góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo vệ quyền lợi của người dân

(PLO) - Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược cải cách tư pháp là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chung về hoạt động đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây là quan điểm được nhiều thành viên nhất trí cao tại phiên họp Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh Đào tạo nghề một số chức danh tư pháp diễn ra ngày hôm qua (20/8) dưới sự chủ trì của Trưởng Ban soạn thảo – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Khó thực hiện luân chuyển
Theo đánh giá của Tổ biên tập Dự án pháp lệnh, bước đầu đã có các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp nói chung, đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư nói riêng. Các quy phạm đó từng bước đưa hoạt động đào tạo trong lĩnh vực này vào quỹ đạo, góp phần quan trọng vào việc bổ sung nguồn nhân lực tư pháp cho các cơ quan tư pháp, phục vụ nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền và chiến lược cải cách tư pháp của đất nước. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, bất cập, trong đó đáng chú ý là hoạt động đào tạo chưa thực sự gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ. Cụ thể, mô hình đào tạo hiện nay đang được thực hiện riêng lẻ cho từng chức danh nên không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, lại không có cơ chế luân chuyển phù hợp giữa ba chức danh này, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nhân lực pháp luật hiện có của ngành trong khi nhân lực của cả hệ thống tư pháp vẫn thiếu và yếu, đặc biệt khó có thể thực hiện việc luân chuyển giữa các chức danh tư pháp, nhất là giữa hai chức danh Thẩm phán và Kiểm sát viên. 
Chính vì chưa có quy định pháp luật thống nhất mô hình đào tạo chung nên mỗi cơ sở đào tạo đang tự thiết kế chương trình đào tạo riêng của mình. Học viện Tư pháp xây dựng 3 chương trình đào tạo riêng tương ứng với các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và hiện đang xây dựng chương trình thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Trường Cán bộ Tòa án tự xây dựng chương trình đào tạo nghề Thẩm phán. Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) tự xây dựng chương trình đào tạo nghề Kiểm sát viên. 
Tất cả điều này dẫn tới việc không cung cấp mặt bằng kiến thức chung cho cùng một chức danh khi được đào tạo ở các cơ sở khác nhau. Ngoài ra, thời gian đào tạo cùng một chức danh cũng không thống nhất ở mỗi cơ sở đào tạo (thời gian đào tạo Kiểm sát viên của Học viện Tư pháp là 12 tháng, tại cơ sở đào tạo của VKSNDTC là 9 tháng; thời gian đào tạo Thẩm phán của Học viện Tư pháp là 12 tháng, của Trường Cán bộ Tòa án là 6 tháng)…
Chú trọng “đầu vào” cho các chức danh tư pháp
Để giải quyết vướng mắc trên, Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Thái Phúc cho biết, Dự thảo Pháp lệnh quy định về chương trình khung đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Chương trình khung sẽ xác định thời gian đào tạo, cơ cấu, nội dung, số lượng các môn học, tỷ lệ thời gian giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo phù hợp với mục tiêu đào tạo. Dự kiến, chương trình khung có 3 phần gồm phần kiến thức và kỹ năng bổ trợ, phần kỹ năng nghề và phần thực tập, trong đó phần kỹ năng nghề chiếm tối thiểu 60% tổng thời lượng của chương trình đào tạo.
Nhận định chương trình đào tạo riêng hiện nay chưa qua thực tiễn đào tạo chung, khó có thể đáp ứng yêu cầu cải cách tư ngày càng cao, đại diện VKSNDTC đồng tình phải có chương trình đào tạo thống nhất. Nhưng theo vị đại diện VKSNDTC, để thống nhất chương trình đào tạo cũng như thống nhất quản lý nhà nước, nên tạo lập cơ chế pháp lý trong tăng cường phối hợp liên ngành và chương trình đào tạo này là đào tạo chuyên gia cao cấp làm nguồn bổ nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp, chẳng hạn từ chánh án, phó chánh án cấp tỉnh trở lên. 
Bà Lê Thị Kim Dung (Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì đề xuất, chương trình khung phải qua Hội đồng phối hợp liên ngành (có thể gồm đại diện lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam) thẩm định trước khi chính thức ban hành. Trên cơ sở chương trình khung, mỗi ngành có chương trình cụ thể. 
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh tán thành với ý kiến của bà Dung và cho rằng mục đích của đào tạo chung phải là đào tạo nguồn bổ nhiệm một số chức danh tư pháp. Từ đó, ông Khánh đề nghị, cần chú trọng đào tạo “đầu vào”, đào tạo chuẩn nghề cho các chức danh tư pháp thông qua tuyển chọn.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc đào tạo chung một số chức danh tư pháp là một mô hình mới có nhiều ưu việt, đặc biệt là hướng đến đào tạo nền tảng kiến thức giống nhau thì mới góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo vệ lợi ích của người dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu, Dự thảo Pháp lệnh nếu được nên quy định thẳng chương trình khung chung và cơ sở đào tạo nào đáp ứng đủ điều kiện thì làm đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện đào tạo chung. 

Đọc thêm