Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

(PLVN) -Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đánh dấu bước phát triển của Học viện Tư pháp với sự đa dạng hóa các mô hình đào tạo chức danh tư pháp, hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho người học và xã hội. 

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, không chỉ là cán bộ trong các cơ quan tư pháp, mà còn là các luật sư. Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp”.  Để thực hiện chủ trương này, một trong những giải pháp đột phá là quy định chính thức và tổ chức thực hiện đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm trang bị mặt bằng chung về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho ba chức danh; giúp người học có định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Nhận thức được yêu cầu đó, Học viện Tư pháp đã đề xuất xây dựng chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. 

 

Ngày 08/11/2013, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 2083/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Học viện Tư pháp tổ chức thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Việc triển khai chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa đầu tiên trong năm 2018 và đến nay đang đào tạo khóa thứ 4 đã minh chứng cho tính đúng đắn và triển vọng của mô hình đào tạo mới này.

Tổng quan chung, mô hình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được xây dựng tương đối công phu, khoa học, kết hợp việc tham khảo một cách chọn lọc kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp của một số nước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, hướng đến mục tiêu hình thành, phát triển đào tạo nghề Luật hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Với thời lượng đào tạo là 18 tháng (53 tín chỉ), chương trình dành cho đối tượng người học là người có trình độ cử nhân luật trở lên. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư và có thể làm việc trong ngành Tòa án, Kiểm sát, các văn phòng luật sư, công ty luật, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp…

 

Về mặt cấu trúc, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được chia thành 04 giai đoạn với sự nối tiếp, phát triển có kế thừa hợp lý các khối kiến thức, kỹ năng mà học viên tích lũy được trong mỗi giai đoạn của chương trình. 

Giai đoạn 1: Nghề luật  và môi trường nghề nghiệp (4 tín chỉ). Trong giai đoạn này,  học viên được trang bị kiến thức chung về nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tiếp cận chủ động và tích cực với môi trường nghề nghiệp, song song với tích lũy kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho việc hành nghề sau khi được đào tạo. 

Giai đoạn 2: Đào tạo kỹ năng cơ bản các chức danh (24 tín chỉ). Mục tiêu giai đoạn này là trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình… và kỹ năng tư vấn pháp luật. 

Giai đoạn 3: Thực tập nghề nghiệp (17 tín chỉ). Giai đoạn này, học viên tiếp cận với môi trường nghề nghiệp thực tiễn tại các Tòa án, Viện kiểm sát, văn phòng luật sư, công ty luật... Đây là cơ hội để học viên kiểm chứng kiến thức, kỹ năng đã được trang bị tại nhà trường; phát hiện và điều chỉnh cách tiếp cận giữa lý thuyết và thực tiễn giải quyết vụ việc; trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp giúp cho việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Giai đoạn 4: Đào tạo chuyên sâu (8 tín chỉ): Đây là giai đoạn đào tạo tự chọn, học viên được lựa chọn một trong 3 môn học chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tùy theo sở thích và nguyện vọng của mình. 

Tương thích với cơ cấu chương trình đào tạo đó là phương pháp đào tạo tích cực, có sự tương tác cao giữa học viên với giảng viên, giữa học viên với nhau. Hình thức song giảng, tam giảng với sự tham gia của cả giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng; giảng viên đang là Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên trong cùng một buổi giảng được áp dụng trong nhiều buổi giảng của chương trình đào tạo chung. Ngoài ra, các hình thức học thông qua làm việc nhóm, tọa đàm, hội thảo môn học theo chủ đề là hoạt động thường xuyên khi triển khai chương trình đào tạo chung. Học viên tham dự các khóa đào tạo tại Học viện sau khi tốt nghiệp đều khá thành thạo các phương pháp học tập hiện đại (đóng vai, làm việc nhóm, giải quyết tình huống). Đây là những ưu điểm nổi bật của mô hình đào tạo tại Học viện Tư pháp nói chung và đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nói riêng. 

Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đánh dấu bước phát triển của Học viện Tư pháp với sự đa dạng hóa các mô hình đào tạo chức danh tư pháp, hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho người học và xã hội. Việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Cụ thể là:

- Đào tạo chung ba chức danh tạo mặt bằng chung về kiến thức, hiểu biết chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp lẫn nhau của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật liên quan. Việc được trang bị kỹ năng tranh tụng và tổ chức, điều khiển tranh luận trong các khóa đào tạo chung có ý nghĩa tạo tư duy mới, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp cho thế hệ các chức danh tư pháp thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp của những đội ngũ này với các nước cùng khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.  

-  Đào tạo chung ba chức danh tạo nguồn cán bộ tư pháp chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Tòa án, Kiểm sát có nguồn tuyển dụng những người đã có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngay từ thị trường lao động, có khả năng làm việc ngay khi được tuyển dụng; tạo thêm cơ hội học tập và lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người có khả năng, tâm huyết với nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; tạo điều kiện thực tế thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ luật sư, luật gia giỏi, chủ trương chuyển đổi vị trí nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; 

- So với chương trình đào tạo riêng, chương trình đào tạo chung ba chức danh được xây dựng trên cơ sở sự tương đồng trong đặc trưng nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, thời gian đào tạo được rút ngắn mà không phải là cộng dồn cơ học của các chương trình đào tạo riêng nên sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí về thời gian và tài chính cho bản thân, gia đình người học và xã hội.

Qua thực tế triển khai đào tạo 04 khóa, Học viện Tư pháp đã tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện về chương trình đào tạo. Theo đó, chương trình đào tạo được đánh giá cao với nhiều ưu điểm như sau:

- Chương trình có tổng thời gian đào tạo hợp lý, đã tính đến sự “giao thoa” trong kỹ năng nghề nghiệp của ba chức danh để xác định thời gian đào tạo phù hợp. 

- Kết cấu của chương trình đào tạo cơ bản phù hợp với mục tiêu đào tạo. 

- Nội dung chương trình đã đề cập toàn diện tới các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, giúp học viên được tiếp cận với kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh, hiểu biết và có cái nhìn đa chiều về cùng một vụ việc, vấn đề hay tình huống pháp lý.

- Việc phân bổ các nội dung đào tạo theo các môn học cơ bản phù hợp với thực tiễn, tránh sự trùng lặp trong quá trình đào tạo; nội dung đào tạo thực tế chiếm thời lượng lớn trong chương trình, gồm cả kiến tập đầu khóa học và thực tập sau khi học xong phần kỹ năng cơ bản, nên học viên có nhiều cơ hội tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp. 

Trên cơ sở nhận diện những ưu điểm và hạn chế của chương trình, trong năm 2020 Học viện Tư pháp sẽ hoàn tất việc chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp theo định hướng: 

- Bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong bối cảnh cải cách tư pháp; 

- Kế thừa những điểm hợp lý của chương trình hiện tại, nhất là về quan điểm, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, thời gian đào tạo, cách phân chia các môn học trong chương trình; 

- Khắc phục một số hạn chế của chương trình đào tạo hiện tại, cụ thể là cân đối thời gian đào tạo tại Học viện và thời gian thực tập để phù hợp với thực tế triển khai đào tạo, xây dựng các môn học trong phần đào tạo tự chọn theo hướng chuyên sâu, tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho học viên,  rà soát, sửa đổi, bổ sung kỹ lưỡng các bài học trong chương trình; 

- Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi trong quá trình triển khai đào tạo.

Với việc chỉnh sửa chương trình đào tạo theo định hướng nêu trên, trên cơ sở đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm đã tham gia giảng dạy chương trình đào tạo chung, hệ thống giáo trình, hồ sơ tình huống đầy đủ và những điều kiện vật chất tốt nhất, chắc chắn hoạt động đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp sẽ ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa.  

Đọc thêm