Đề cao tính tự quản của đội ngũ công chứng viên

(PLO) - Mặc dù không được Luật Công chứng năm 2006 quy định nhưng xuất phát từ yêu cầu tự quản, nhiều địa phương đã thành lập Hội Công chứng hoặc Câu lạc bộ Công chứng để có được “mái nhà chung” cho các Công chứng viên (CCV). 
Người dân làm thủ tục công chứng tại  Văn phòng Công chứng Đào và Đồng nghiệp
Người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng Công chứng Đào và Đồng nghiệp
Nhận thấy tính tích cực của mô hình này và cũng nhằm thống nhất tổ chức trong phạm vi cả nước, Luật Công chứng sửa đổi năm 2014 đã quy định một số nguyên tắc chung về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV.
Tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp 
Hội Công chứng đầu tiên trong cả nước tiến hành Đại hội thành lập vào ngày 22/10/2011, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động nghề công chứng chính là Hội Công chứng TP. Hà Nội. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, ngành công chứng Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng. Từ năm 1989, cả thành phố chỉ có một tổ chức hành nghề công chứng với 3 CCV, đến thời điểm Hội Công chứng ra mắt đã có 67 tổ chức hành nghề công chứng với gần 200 CCV. 
Trước sự phát triển khách quan về quy mô, tính chất xã hội hóa và yêu cầu riêng biệt đối với việc hành nghề công chứng, việc thành lập tổ chức Hội nghề nghiệp công chứng là xu thế tất yếu nhằm quy tụ sức mạnh, thống nhất ý chí, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, xây dựng hoạt động công chứng của thành phố ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Từ  “điểm sáng” Hà Nội, một số địa phương khác đã có tiền đề quan trọng để xúc tiến thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng của mình. Tiếp ngay sau Thủ đô là Hội Công chứng TP.HCM, Hội Công chứng TP.Đà Nẵng và Hội Công chứng tỉnh Hải Dương lần lượt ra đời. Đáng chú ý nhất là Hội Công chứng TP.Đà Nẵng. Tiền thân của Hội này là Câu lạc bộ Công chứng được thành lập vào tháng 7/2011 – trước cả thời điểm lập Hội Công chứng TP.Hà Nội. 
Kể từ khi thành lập đến nay, trong bối cảnh các tổ chức hành nghề công chứng đang phải vật lộn với những khó khăn do hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng cùng với tình hình thắt chặt tín dụng, nhưng các Hội Công chứng trên đã có những hoạt động rất tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm của CCV. Các CCV đã có được một “ngôi nhà chung” theo nghĩa toàn diện, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, đối nội, đối ngoại.
Điển hình là Hội Công chứng TP.Hà Nội. Ngay sau khi được thành lập, được sự cho phép của Sở Tư pháp Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền, Hội Công chứng TP. Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Công chứng Paris, mở ra một trang mới trong hoạt động hợp tác của công chứng hai Thủ đô. Ban Chấp hành Hội còn tham gia vào các buổi tọa đàm do Bộ Tư pháp tổ chức; làm việc với đại diện của đơn vị cung cấp phần mềm cơ sở dữ liệu cho các tổ chức hành nghề công chứng. 
Hội cũng đã xây dựng trang website tạo diễn đàn cho các CCV trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như quan tâm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; thông tin cho các hội viên về những vấn đề phát sinh, có liên quan đến nghề nghiệp để cùng biết và có hướng xử lý cho phù hợp, chuẩn bị dự thảo cho lớp bồi dưỡng nghiệp vụ CCV cũng như nâng cao năng lực quản lý văn phòng… 
Thống nhất mô hình tự quản nghề công chứng
Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định nên bộ máy tổ chức của các Hội Công chứng khá đa dạng. Cụ thể, Hội Hà Nội do một Trưởng văn phòng công chứng làm Chủ tịch, Hội TP.HCM thì do Chủ tịch Hội đồng thành viên một văn phòng công chứng làm Chủ tịch, Chủ tịch Hội Hải Dương là 1 Trưởng phòng công chứng, trong khi Hội Đà Nẵng lại do Giám đốc Sở Tư pháp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch.
Để đảm bảo tính thống nhất, Luật Công chứng sửa đổi năm 2014 đã chính thức ghi nhận và quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV. Trước đó, qua thảo luận tại nghị trường Quốc hội, đã từng có ý kiến cho rằng vấn đề này chỉ nên quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về hội. 
Tuy nhiên, Chính phủ đã giải trình rằng với tính chất đặc thù của nghề công chứng, quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV, tương tự như một số quy định trong Luật Luật sư năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 là cần thiết. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV không chỉ đóng vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của thành viên như các hội thông thường, mà trước hết có vai trò tự quản, có trách nhiệm ban hành và giám sát thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề của CCV, tổ chức bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ của CCV. 
Hơn nữa, kinh nghiệm của các nước thành viên Liên minh Công chứng quốc tế cho thấy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV trong giám sát hành nghề của các CCV là rất quan trọng. Về vấn đề ngân sách, biên chế, việc thành lập, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV sẽ không ảnh hưởng đến kinh phí ngân sách, biên chế nhà nước, bởi tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác.
Do vậy, đa số các ý kiến đồng tình theo hướng Luật cần quy định về vấn đề này vì CCV phải tham gia và chịu sự quản lý của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV, từ đó tạo điều kiện cho việc phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV trong điều kiện hoạt động công chứng đã được xã hội hóa.
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các CCV; ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ.
(Trích Luật Công chứng sửa đổi năm 2014)

Đọc thêm