Để mỗi người dân là một cộng tác viên tuyên truyền pháp luật

(PLVN) - Đó là vấn đề ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đặt ra trong Hội nghị Sơ kết hoạt động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) sáu tháng đầu năm 2019 của TP Cần Thơ.
Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật giúp người dân hiểu biết để sống và làm việc tuân thủ pháp luật
Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật giúp người dân hiểu biết để sống và làm việc tuân thủ pháp luật

Nâng cao hiệu quả các mô hình tuyên truyền 

Bà Huỳnh Thái Như Ngọc, Trưởng Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, trong sáu tháng đầu năm, công tác tuyên truyền, PBGDPL được lãnh đạo TP và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Qua đó góp phần nâng cao tầm quan trọng của công tác PBGDPL và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào đời sống; góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định chính trị -  tư tưởng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Sở Tư pháp phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến 9 văn bản luật vừa được thông qua. Đồng thời, qua công tác phối hợp tuyên truyền đã tổ chức được gần 45.000 cuộc với hơn 226.000 lượt người tham dự.

Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung sinh động, gần gũi. Tập trung xoay quanh những văn bản pháp luật có nội dung gần gũi, gắn với đời sống sinh hoạt thường xuyên của người dân, quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. 

Với những đối tượng đặc thù, TP chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức. Công an TP tổ chức dạy chương trình giáo dục công dân, giáo dục pháp luật cho phạm nhân mới vào Trại tạm giam chấp hành án và phạm nhân sắp chấp hành án xong, trong đó lồng ghép chương trình dạy tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân nhằm giáo dục kỹ năng sống, tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo tâm lý ổn định để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống.

Đồng thời, Ban Dân tộc TP phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, ý thức cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL tại TP Cần Thơ cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tuy nhiều nhưng hầu hết là kiêm nhiệm; hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật không đồng đều, còn hạn chế nhất là về kỹ năng, kiến thức pháp luật, đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL đang từng bước được triển khai thực hiện, chưa hoàn chỉnh về mặt thể chế và các hình thức thực hiện. Công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL vẫn chưa được thực hiện rộng rãi.

Tuyên truyền phải đúng luật, dễ hiểu, dễ nhớ

Để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Võ Văn Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ yêu cầu làm rõ những điểm được, chưa được trong công tác PBGDPL. Chín loại hình từ tuyên truyền miệng đến gắn với trợ giúp pháp lý, có vướng mắc chỗ nào thì tháo gỡ ngay chỗ đó.

“Cái gì được cần phát huy, cái gì còn khiếm khuyết tìm giải pháp khắc phục”, ông Chính nhấn mạnh, đồng thời cho biết, cách đây vài năm, mô hình Quán cà phê pháp luật rất tốt nhưng hiện nay mỗi người 2-3 điện thoại, tiếp nhận qua kênh báo, đài, trang mạng thì ít nhiều tác động đời sống người dân. Chính vì vậy đến thưởng thức cà phê, xem thông tin pháp luật giảm xuống rất nhiều. Cũng cần tính toán về hiệu quả của các mô hình này và nghiên cứu giải pháp thay đổi sao cho hiệu quả.

Đồng thời, theo ông Chính, tuyên truyền PBGDPL mà nói suông quá thì bà con không hiểu, không nhớ, phải làm sao nói đúng luật, dễ hiểu, dễ nhớ, giảng giống như giáo viên luật, người nghiên cứu luật cũng không được. 

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ghi nhận những kết quả của các ngành, các cấp đã đạt được trong công tác PBGDPL. Đồng thời yêu cầu các đơn vị không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Theo ông Nam, hệ thống pháp luật có nhiều luật, nghị định, thông tư… cần phải chọn lựa những thông tin quan trọng gần gũi để phổ biến cho người dân.

“Các cấp các ngành phải thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, để mỗi người dân là cộng tác viên công tác tuyên truyền. Có nhiều kênh thông tin đưa pháp luật vào cuộc sống”, ông Nam nhấn mạnh. 

Thời gian qua, tại Cần Thơ, mô hình tủ sách pháp luật, kệ sách pháp luật, quán cà phê pháp luật tiếp tục được duy trì nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia tìm hiểu pháp luật. Trong sáu tháng đầu năm, qua hình thức đọc, mượn sách đã có trên 19.000 lượt người mượn, đọc. Trong đó có nhiều tủ sách được đặt tại các cơ sở thờ tự, chùa chiền trên địa bàn các huyện. Ngoài ra, với số lượng 192 CLB Pháp luật, trong sáu tháng đầu năm đã tổ chức sinh hoạt 683 cuộc, có gần 20.000 người tham dự, qua đó góp phần tuyên truyền các quy định pháp luật cho các cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên trên địa bàn.

Hướng đến đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, Hội đồng PBGDPL đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hơn 2.650 giáo viên về kiến thức pháp luật, góp phần nâng cao kiến thức, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong học đường. Phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, bổ ích như: “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, “Hội giao lưu an toàn giao thông”… Đồng thời phát động cuộc thi “Giao thông học đường lần thứ IV năm học 2018 – 2019” với hơn 3.500 học sinh tham gia.

Ngoài ra, đơn vị còn lồng ghép tuyên truyền qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Phối hợp với các đơn vị xã, phường tổ chức tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý được 101 cuộc, thu hút gần 4.000 lượt người tham dự, cấp phát hơn 8.000 tờ gấp pháp luật.

Đọc thêm