Đề nghị bổ sung 4 trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

(PLVN) -Đây là nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư do Bộ Tư pháp xây dựng.

Không gia nhập Đoàn luật sư trong hai năm:Thu hồi chứng chỉ

Sau khi Luật luật sư năm 2006 được ban hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Tuy nhiên, đến ngày 20/11/2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2006 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. 

Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư và Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP. Vì vậy, một số nội dung của Thông tư số 17/2011/TT-BTP do căn cứ vào Luật luật sư năm 2006 hiện nay không còn phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, các Nghị định hướng dẫn thi hành, cũng như thực tiễn hoạt động quản lý luật sư và hành nghề luật sư. Đơn cử là các quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư, thay đổi người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư…

Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư bổ sung 4 trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 18 của Luật luật sư, do Thông tư hiện nay đang thiếu quy định: không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư; thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng; mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Để đảm bảo quy trình đề nghị và ban hành Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư được chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định của Luật luật sư, dự thảo Thông tư đã được bổ sung quy định Đoàn luật sư, cơ quan, tổ chức có liên quan khi gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư phải gửi kèm theo Quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư hoặc các giấy tờ chứng minh luật sư đó thuộc trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật luật sư.

Chỉ được đại diện theo pháp luật của 1 tổ chức hành nghề luật sư

Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư, Trưởng chi nhánh. Theo đó,  Khoản 4 Điều 32 của Luật luật sư quy định một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Khoản 3 Điều 49 của Luật luật sư quy định luật sư hành nghề luật sư với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động. Đồng thời, khoản 1 Điều 9 của Thông tư số 17 cũng quy định Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật chỉ được làm Trưởng chi nhánh của một chi nhánh của văn phòng luật sư, công ty luật đó. Vì vậy, dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định một luật sư chỉ được người đại diện theo pháp luật của 01 tổ chức hành nghề luật sư, làm Trưởng chi nhánh của 01 tổ chức hành nghề luật sư để thống nhất, phù hợp với các quy định nêu trên, đồng thời, đảm bảo bí mật thông tin theo quy định tại Điều 25 của Luật luật sư, tránh trường hợp một luật sư làm người đại diện theo pháp luật, Trưởng Chi nhánh cho hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên có thể dẫn đến xung đột về lợi ích, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng, gây khó khăn cho công tác quản lý. 

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung đáng chú ý như bổ sung nội dung kiểm tra về việc “mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm” đối với tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam căn cứ vào Điều 40 của Luật luật sư về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư và Điều 73 của Luật luật sư quy định quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, công ty luật nước ngoài. Bổ sung nội dung kiểm tra về việc “tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư hành nghề tại tổ chức” đối với tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam…

Các quy định mới trong dự thảo Thông tư nhằm tạo điều kiện cho luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư…hoạt động hiệu quả nhưng cũng tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Đọc thêm