Đề xuất thành lập Trường Luật sư Việt Nam

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm về Dự thảo Đề án thành lập Trường Luật sư (LS) Việt Nam do Liên đoàn LS Việt Nam đề xuất. Theo Đề án này, Trường LS Việt Nam sẽ là đơn vị trực thuộc Liên đoàn LS Việt Nam, có chức năng đào tạo nghề LS, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các LS và nghiên cứu khoa học pháp lý.
Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh phát biểu tại hội thảo
Thẩm phán TANDTC Chu Xuân Minh phát biểu tại hội thảo
Trong điều kiện tỷ lệ LS trên người dân ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp (khoảng 1/1000), đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, số lượng LS vô cùng khan hiếm, ông Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, việc thành lập Trường LS Việt Nam là cấp thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và cần được triển khai nhanh chóng, đúng quy trình. 
Nhiều ý kiến khác cũng nhận định, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất Học viện Tư pháp được đào tạo nghề LS nên chưa tạo được sự cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo. Do đó, nếu Trường LS Việt Nam được thành lập thì sẽ có tác dụng thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LS góp phần đáp ứng các yêu cầu về xây dựng đội ngũ LS và trợ giúp viên pháp lý.
Tuy  nhiên, nhiều ý kiến thảo luận cũng băn khoăn về tính pháp lý của Đề án này bởi vì về cơ sở pháp lý, LS là một nghề đặc thù nên khó áp dụng theo cả Luật LS, Luật Giáo dục và Nghị định số 123 do Chính phủ quy định. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Nội vụ, nội dung của Dự thảo Đề án nên bám sát Luật LS để có thể thống nhất được cách gọi tên “trường”, “cơ sở” hay “trung tâm” đào tạo nghề LS, từ đó xác định được cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức đó.
Về vấn đề cốt lõi của đào tạo là chất lượng giảng viên, ông Chu Xuân Minh - Thẩm phán TANDTC cho rằng, việc lựa chọn giảng viên không nên đặt nặng vấn đề bằng cấp mà cần dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm tổng kết thực tiễn và truyền đạt lại một cách hiệu quả cho học viên. 
Nhà trường cần tận dụng đội ngũ LS có kinh nghiệm (ít nhất là 5 năm), nếu số lượng đó quá lớn thì khi ấy mới cần xét đến bằng cấp chuyên môn (trình độ từ thạc sĩ trở lên). Đặc biệt, cần ký hợp đồng rõ ràng đối với đội ngũ giảng viên cơ hữu để đảm bảo số lượng tương ứng với quy mô đào tạo và các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục. 
Tại tọa đàm, hầu hết các chuyên gia, LS đều đồng ý rằng ngoài việc đúc rút những kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo luật khác, Liên đoàn LS Việt Nam cần xác định rõ chương trình đào tạo và xây dựng một bộ giáo trình riêng để tránh gặp những rắc rối về vấn đề bản quyền. Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện VKSNDTC đề nghị Đề án cần đánh giá tác động của chương trình đào tạo đối với xã hội, tính cạnh tranh với Học viện Tư pháp đồng thời làm rõ được vấn đề học phí, vấn đề “đầu ra” để có thể tạo sức hút với học viên. 

Đọc thêm