Đi tìm chính sách là 'đòn bẩy' với thanh niên

(PLO) - Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005 đã bổ sung những chính sách mới phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, để dự luật phát huy vai trò và hiệu quả trên thực tế thì cần rà soát lại để chọn những chính sách thực sự là “đòn bẩy” đối với thanh niên. 
Buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo hiệu quả trong việc lấy ý kiến đóng góp để xây dựng Dự Luật.
Buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo hiệu quả trong việc lấy ý kiến đóng góp để xây dựng Dự Luật.

Ngày 12/10, tại Hậu Giang Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Hậu Giang, Tỉnh Đoàn Hậu Giang và Trường Trung cấp Luật Vị Thanh tổ chức tọa đàm “Thực trạng thi hành và những kiến nghị, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005”. 

Ưu đãi thanh niên có sáng kiến thúc đẩy khoa học công nghệ…

Tham dự tọa đàm có TS. Hồ Quang Huy, Uỷ viên BCH Đoàn khối, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Thành viên Tổ Công tác giúp Ban Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Luật Thanh niên; ông Cao Hồng Hưng, Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo Trường Trung cấp Luật Vị Thanh và đông đảo cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên của tỉnh Hậu Giang.

Được biết, từ khi Luật Thanh niên 2005 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý tương đối cơ bản về các vấn đề quan trọng đối với thanh niên. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện còn nhiều điểm hạn chế cần sửa đổi. Đặc biệt, trong Luật chưa thể hiện rõ và phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức Đoàn đối với phát triển, tập hợp, định hướng cho thanh niên. 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề cần sửa đổi của Luật Thanh niên 2005. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Kinh phí thực hiện hoạt động còn hạn chế, chưa tạo cơ chế thu hút thanh niên tham gia nhất là ở cấp cơ sở. Ngoài ra, đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện có nhiều thanh niên tích cực tham gia hoạt động không may xảy ra tai nạn, có thể dẫn đến mất sức lao động nhưng vẫn không có chính sách đặc thù ưu đãi, quan tâm. 

Theo đó, đại biểu đề xuất cần có quy định về thanh niên trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, bổ sung quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành về thanh niên. Cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, bám chặt lao động tại địa phương… Ngoài ra, phải có chính sách khuyến khích ưu đãi đối với thanh niên có sáng kiến thúc đẩy khoa học công nghệ. Hiện tại, đời sống vật chất và tinh thần của thanh niên ở nông thôn còn khoảng cách lớn so với thành phố. Vì vậy, cần hỗ trợ vốn cho thanh niên sản xuất kinh tế nâng cao đời sống.

Nêu cao vai trò, bảo đảm quyền lợi cho thanh niên

Ông Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp khẳng định, thanh niên là lực lượng quan trọng trong sản xuất kinh tế và phát triển xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên để nêu cao vai trò, bảo đảm quyền lợi cho thanh niên là cần thiết. Bởi hiện nhiều cơ quan nhà nước chưa quan tâm đúng mức những chính sách, quy định về thanh niên, trách nhiệm của các bộ, ngành cũng còn nhiều bất cập.

Vì vậy, cần có những cơ chế phối hợp tạo sự hài hòa, tương thích trong tình hình mới. “Cần lắng nghe tiếng nói và đáp ứng yêu cầu, mong muốn của thanh niên từ đó khắc phục những bất cập của Luật”, ông Huy nêu ý kiến.

Nói về Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, ông Huy cho biết trong dự luật đã bổ sung những chính sách mới phù hợp với thực tiễn như: Chính sách thanh niên đối với việc làm, với khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Điều đó thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với thanh niên. 

Tuy nhiên, để Dự Luật phát huy vai trò và hiệu quả trên thực tế thì rất rà soát lại để chọn ra những chính sách thực sự là “đòn bẩy” đối với thanh niên. Nếu chỉ quy định chung chung hoặc có sự khác biệt quá lớn với các luật khác thì sẽ làm mất đi tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

 Theo ông Huy, đâu là điểm nghẽn, đâu là đòn bẩy trong từng chính sách thì phải tính toán thật kỹ để đảm bảo dự luật có tính khả thi và đi sâu vào đời sống. Từ đó, thanh niên sẽ được phát triển theo hướng bền vững với hành lang pháp lý sát với thực tiễn và phù hợp mong muốn của thanh niên.

Dịp này, ông Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cũng đã trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

Chiều cùng ngày, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp cũng phối hợp với Hội Doanh  nhân trẻ tỉnh Hậu Giang và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức Diễn đàn Thanh niên Hậu Giang khởi nghiệp sáng tạo năm 2018. Qua đó nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp để có biện pháp, chính sách hỗ trợ, giải quyết.

Đọc thêm