Định hướng phát triển của các Trường Trung cấp Luật

(PLO) - Hôm qua (11/7), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết, đề xuất giải pháp, định hướng phát triển của các Trường Trung cấp Luật trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Lê Tiến Châu, lãnh đạo một số đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp cùng đại diện đông đủ 5 Trường Trung cấp Luật, các đơn vị sử dụng lao động trung cấp luật…
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị.

Đã thành lập được 5 trường

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ làm công tác pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ, từ năm 2009 đến năm 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thành lập 5 Trường Trung cấp Luật đặt tại 5 khu vực của đất nước bao gồm: Tây Nguyên, Tây Nam bộ, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Bắc - đây đều là các khu vực, địa bàn có khó khăn về nhân lực làm công tác pháp luật. 

Việc thành lập các Trường Trung cấp Luật nhằm đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có trình độ hiểu biết pháp luật cơ bản và thành thạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp theo từng chức trách đảm nhiệm đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, một số chức danh cán bộ cơ quan tư pháp, thi hành án, cán bộ  chính quyền cơ sở… Trong thời qua, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho các Trường Trung cấp Luật nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Qua theo dõi quá trình phát triển và hoạt động của các Trường Trung cấp Luật, đặc biệt là kể từ sau khi có sự chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hoạt động của các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ đã từng bước ổn định, đi vào nền nếp; cơ cấu tổ chức, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ bản được kiện toàn; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại; các trường đã và đang đào tạo hàng nghìn học sinh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các trường cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là công tác tuyển sinh và việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Phải xác định 2 nhóm giải pháp

Với mong muốn các trường có định hướng đúng và những bước đi bền vững, phát triển lớn mạnh trong tương lai, trên cơ sở gợi ý của Thứ trưởng Lê Tiến Châu, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng hiện nay của các trường so với tiêu chuẩn, điều kiện đào tạo trung cấp nghề nghiệp ngành pháp luật; đánh giá một cách trung thực, khách quan về chất lượng đào tạo hiện nay của các trường; đánh giá, dự báo về nhu cầu sử dụng nhân lực được đào tạo luật trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề nghiệp trong thời gian tới đây; phương hướng, giải pháp phát triển các Trường trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long hoan nghênh và biểu dương các kết quả đạt được vừa qua của các trường, trong đó nổi bật là thể chế, tổ chức bộ máy cơ bản thành lập, hoạt động ổn định; nhiều cố gắng trong công tác tuyển sinh và đào tạo, tự túc giáo trình, quan tâm về cơ sở vật chất. Ngoài ra, cùng với nhiệm vụ trọng tâm, các trường cũng cố gắng mở nhiều lớp học đa dạng. Tuy nhiên, về hạn chế thì theo Bộ trưởng, trong công tác chỉ đạo, điều hành của các trường còn lúng túng, chưa quyết liệt, trông chờ cấp trên. Đội ngũ giáo viên trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, chưa ngang tầm với yêu cầu đề ra. Kết quả tuyển sinh, đào tạo thấp hơn chỉ tiêu đặt ra, kỳ vọng của Bộ, chưa tương xứng với đầu tư. Chương trình đào tạo hơi cứng nhắc, chưa sát với đặc thù địa phương, chưa gắn nhiều với kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chính, đồng thời ghi nhận các ý kiến hiến kế thẳng thắn. Nhấn mạnh, tìm hướng đi cho các trường trong giai đoạn này là một trong những ưu tiên của Bộ nên Bộ trưởng đề nghị phải đề ra 2 nhóm giải pháp trước mắt (2017 - 2020) và lâu dài (từ năm 2021 trở đi). Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu vẫn duy trì mô hình đào tạo của các trường theo đề án thành lập, có điều chỉnh đối với công tác giảng dạy, đào tạo, tuyển sinh như nghiên cứu mở thêm 1 - 2 mã ngành tương tự, gần với trung cấp luật theo hướng tăng cường thực hành, cầm tay chỉ việc, thiên về kỹ năng và nhu cầu xã hội; nghiên cứu thí điểm giao 1 trường tiến hành khảo sát để đào tạo học sinh THPT khi tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng Trung cấp Luật; khuyến khích mở các lớp đào tạo theo yêu cầu… nhưng “tất cả thực hiện trong khuôn khổ hiện có về cơ sở vật chất, giáo viên”.

Giai đoạn sau, Bộ trưởng cho biết, phải chuẩn bị đề án ngay từ bây giờ, trong đó ưu tiên công tác giảng dạy để Lãnh đạo bàn bạc, quyết định cụ thể từng đề án. Lưu ý xã hội sẽ dần dần hạn chế tư tưởng sính bằng cấp, Bộ trưởng khẳng định phải biết tận dụng cơ hội, dư địa còn lại của các nghề tư pháp, đào tạo theo nhu cầu, đúng thực tế, có kỹ năng cần thiết. “Bất kỳ giải pháp nào thì giải pháp cơ bản nhất vẫn là sự chủ động của các trường” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm