Đổi mới công tác TGPL: Yêu cầu bức thiết từ cuộc sống

(PLO) - Với ý nghĩa là một chính sách giảm nghèo về pháp luật, trợ giúp pháp lý  được coi là một bộ phận cấu thành của các chính sách giảm nghèo chung của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, công tác trợ giúp pháp lý  cũng đang đặt trong bối cảnh có sự thay đổi về thể chế liên quan đến hoạt động công tác này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trợ giúp pháp lý - một cứu cánh của người nghèo
Hệ thống trợ giúp pháp lý  (TGPL) ở Việt Nam hình thành từ năm 1997, đặc biệt, sự ra đời của Luật TGPL năm 2006 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của công tác TGPL. Thực tiễn công tác TGPL trong thời gian qua đã khẳng định chính sách TGPL và việc ra đời Luật TGPL là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, đạo lý của dân tộc và điều kiện thực tế của nước ta, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa pháp luật đến với người dân, tạo lập thói quen và nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. 
Hiện trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm), 201 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4.401 Câu lạc bộ TGPL. Tổng số người làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc là 1.347 người, trong đó 517 trợ giúp viên pháp lý. 
Theo nhận định của Bộ Tư pháp, từ khi triển khai thi hành Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030  đến nay, hệ thống TGPL của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL ngày càng gia tăng. 
Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý cũng từng bước trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL, đặc biệt là những tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tư pháp, sự phát triển của hệ thống TGPL trong thời gian qua là quá “nóng”. 
Bất cập đã nảy sinh
Trước năm 2010, khi nước ta còn là một nước thu nhập thấp, hoạt động TGPL chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài từ các dự án ODA, do vậy có thể triển khai đa dạng các hoạt động TGPL. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, các nguồn hỗ trợ của đối tác nước ngoài rất hạn chế, kinh phí cấp cho hoạt động TGPL hoàn toàn do kinh phí ngân sách địa phương cấp, không đồng đều giữa các địa phương và không ổn định trong các năm nên việc triển khai các hoạt động TGPL còn khó khăn, nhất là cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là các vụ việc TGPL. 
Bên cạnh đó, cùng với mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng, do đó các đối tượng yếu thế trong xã hội càng dễ có nguy cơ bị phân biệt đối xử, bất công, nhất là trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. 
Qua đánh giá tình hình công tác TGPL tại các địa phương, Bộ Tư pháp nhận định việc triển khai hoạt động TGPL là tương đối phù hợp trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, tổ chức và hoạt động TGPL đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhìn chung hoạt động TGPL chưa bảo đảm đúng trọng tâm là cung cấp vụ việc TGPL, nhất là trong lĩnh vực tham gia tố tụng mà còn dàn trải theo nhiều hình thức TGPL khác (như in ấn tờ rơi, tờ gấp, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động). 
Mặt khác, về hệ thống tổ chức, thực tế cho thấy hệ thống tổ chức thực hiện TGPL nhà nước hiện nay đang áp dụng mô hình chung trong toàn quốc trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, do đó còn phụ thuộc về kinh phí, biên chế, chưa tạo được sự độc lập với chính quyền địa phương trong hoạt động nghiệp vụ TGPL. 
Đặc biệt, nguồn nhân lực của Trung tâm không ổn định, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có nhiều kinh nghiệm thường bị điều chuyển sang thực hiện các công việc hành chính khác. Một thực tế mà hoạt động TGPL cũng đang phải đối mặt là kinh phí bảo đảm cho công tác TGPL còn hạn chế, không thường xuyên và phân bổ các khoản chi chưa hợp lý dẫn đến kết quả đạt được trong thời gian qua là chưa cao. 
Những bất cập nội tại này đặt công tác TGPL trước yêu cầu bức thiết là phải đổi mới để tồn tại và đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ một cách thiết thực những đối tượng là người yếu thế trong xã hội.
Trợ giúp viên pháp lý chưa thực sự chuyên nghiệp trong tham gia tố tụng
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số lượng vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý hiện còn thấp. Trung bình 01 trợ giúp viên pháp lý chỉ thực hiện từ 04 - 05 vụ tố tụng/1 năm, một con số rất thấp so với việc Nhà nước phải đầu tư trả lương hàng tháng cho hơn một nghìn cán bộ, viên chức. Cá biệt có một số địa phương trợ giúp viên pháp lý không tham gia tố tụng.  
Bên cạnh đó, chức danh Trợ giúp viên pháp lý chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự là người tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, do đó trợ giúp viên pháp lý đôi khi còn gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, người dân vẫn chưa quen với chức danh này, nhiều trường hợp chưa thực sự tin tưởng sử dụng dịch vụ của trợ giúp viên pháp lý mà ưu tiên sử dụng dịch vụ của luật sư. 

Đọc thêm