Dự án Luật hộ tịch: Đơn giản hóa các loại giấy tờ

(PLO) - Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch được đánh giá là đã tạo một bước tiến dài trong việc đơn giản hóa các giấy tờ hộ tịch. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay thì việc rút ngắn thời hạn đăng ký hộ tịch, đơn giản hơn nữa các giấy tờ phải xuất trình khi đăng ký cũng như bổ sung thêm nhiều phương thức mới để người dân được thuận lợi tối đa khi có yêu cầu là vấn đề được đặt ra trong xây dựng Luật Hộ tịch mới.
Tới đây, nhiều loại giấy tờ sẽ được đơn giản hóa
Tới đây, nhiều loại giấy tờ sẽ được đơn giản hóa
Sau thời gian thực hiện các quy định của pháp luật về hộ tịch, Chính phủ đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ hộ tịch tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các yêu cầu hộ tịch; phương thức đăng ký hộ tịch còn mang tính thủ công; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch còn chưa đồng đều, cơ sở dữ liệu hộ tịch còn phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau, khả năng tra cứu, khai thác phục vụ yêu cầu của người dân và của cơ quan, tổ chức rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch theo pháp luật hiện hành còn rườm rà, bất cập, nhiều quy định còn thiên về việc tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước hơn là tạo thuận lợi cho người dân; việc tồn tại nhiều loại sổ sách, giấy tờ về hộ tịch đã gây bất lợi, tạo nhiều áp lực cho cả cơ quan nhà nước và người dân trong việc lưu giữ, bảo quản, sử dụng.
Đề cao việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo sự kết nối với các lĩnh vực khác liên quan đến công dân, tiết kiệm chi phí cho người dân và Nhà nước là mục tiêu lớn mà Luật Hộ tịch hướng tới.
Sẽ bỏ thêm nhiều loại giấy tờ
Dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Ngoài việc xuất trình Thẻ căn cước công dân (theo quy định của Luật Căn cước công dân - PV) có số định danh cá nhân, người yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký hộ tịch. 
Đơn cử như với quy định hiện hành về đăng ký khai sinh theo quy định tại Nghị định 158/CP thì người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn) thì Dự thảo Luật Hộ tịch quy định việc đăng ký tại UBND cấp xã thì người đi đăng ký khai sinh chỉ cần nộp văn bản yêu cầu đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định) và Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh, trừ trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.
Tương tự là việc đăng ký kết hôn, pháp luật hiện hành quy định hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và bắt buộc phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nay Dự thảo quy định hai bên nam, nữ chỉ cần nộp văn bản yêu cầu đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định) cho cơ quan đăng ký hộ tịch. 
Hay việc giám hộ, theo quy định hiện hành, người được cử làm giám hộ phải nộp giấy cử giám hộ. Giấy này do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ thì tất cả cùng phải ký vào giấy cử giam hộ. Dự thảo Luật quy định người yêu cầu đăng ký giám hộ ngoài việc nộp văn bản yêu cầu (theo mẫu quy định) thì chỉ cần văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Việc đơn giản hóa tối đa các loại giấy tờ mà người dân phải xuất trình khi đi đăng ký hộ tịch không những giúp người dân đỡ mất thời gian, tiết kiệm chi phí (chi phí đi lại, sao, chụp hồ sơ, giấy tờ...) mà với việc quản lý công dân bằng Thẻ căn cước, Nhà nước cũng đỡ một khoản ngân sách, việc quản lý thông tin cá nhân cũng dễ dàng, chuyên nghiệp hơn.
Có thể yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến
Hiện nay, với các yêu cầu về đăng ký hộ tịch, người dân vẫn chủ yếu đến trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch để được đáp ứng yêu cầu. Việc này cũng gây những khó khăn nhất định, nhất là với những người khai sinh, kết hôn, đăng ký giám hộ... ở  một nơi nhưng học tập và công tác ở nơi khác. 
Với vai trò của số định danh cá nhân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, Dự thảo Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua trực tuyến. Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình Thẻ căn cước công dân, trong đó có số định danh của mình. 
Cụ thể, Dự thảo quy định khi yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch, cá nhân có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính trong và ngoài nước hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch, cá nhân xuất trình Thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Với sự đổi mới theo hướng giảm nhiều loại giấy tờ, bổ sung thêm các phương thức đăng ký hộ tịch, Dự thảo Luật Hộ tịch khi trình ra Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vừa qua được nhiều Đại biểu đánh giá cao. 
Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính của Dự án Luật Hộ tịch của Bộ Tư pháp cho rằng, khi Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được vận hành, trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), công dân sẽ không phải xuất trình, nộp bản sao, bản sao có chứng thực đối với các loại giấy tờ như: Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Sơ yếu lý lịch, Đăng ký kết hôn, Giấy khai tử... 
Nếu theo như phương án đơn giản hóa TTHC trên cơ sở ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư thì sự thuận lợi đến với người dân là việc không phải mang theo bản gốc, bản chính giấy tờ để cơ quan nhà nước đối chiếu và chi phí cắt giảm được cho người dân từ việc bớt được chi phí cho các hoạt động sao chụp, chứng thực để cung cấp các thông tin cá nhân (lợi ích này chưa tính đến chi phí cắt giảm được của các cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin).

Đọc thêm