Dự thảo Luật căn cước công dân: Quốc hội lo “chưa đổi mới đã lãng phí”

(PLO) - Thu hút sự chú ý của dư luận xã hội ngay từ khi được đề xuất, nhiều nội dụng của Dự thảo Luật CCCD cũng đã được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) “mổ xẻ” trong phiên thảo luận sáng qua (19/6), nhất là đặt Dự thảo này trong mối quan hệ với Dự thảo Luật Hộ tịch với nhiều nội dung có liên quan, thậm chí bao trùm các vấn đề CCCD cũng được Quốc hội cho ý kiến cùng kỳ họp để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật  “sẽ có nhiều tác động sâu sắc, trực tiếp đến từng cá nhân” này trước khi được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: “Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua Luật thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: “Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua Luật thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp”.
Cấp thẻ CCCD cho công dân “nhí” là lãng phí!
Một vấn đề khiến ĐBQH lo ngại có sự lãng phí trong Dự thảo Luật CCCD là đề xuất cấp thẻ CCCD cho người dưới 15 tuổi nhằm đảm bảo quyền giao dịch của công dân. Việc báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được vai trò, ý nghĩa của các thông tin trong thẻ CCCD của người dưới 15 tuổi đã khiến Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhận thấy: “Nếu so sánh chi phí phải bỏ ra là 648 tỷ đồng để cấp thẻ CCCD cho những người dưới 15 tuổi để cất giữ và lợi ích của chính sách này mang lại thì phải được tính toán kỹ hơn”.
Hơn nữa, trong mọi trường hợp, giao dịch dân sự của người dưới 15 tuổi đều cần có người giám hộ nên ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) thấy việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 15 tuổi, nhất là đối với trẻ sơ sinh hay ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, là sự bất hợp lý do không cần thiết. Từ đó, đa số ĐBQH kiến nghị xem xét lại việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 15 tuổi ngay từ khi mới sinh và chỉ cấp thẻ CCCD cho người đủ 14 tuổi trở lên như quy định hiện hành. Cũng từ vấn đề này, ĐBQH đã bày tỏ những băn khoăn “liệu thẻ CCCD có thể thay thế giấy khai sinh được không” ?
Ngoài sự tốn kém không cần thiết, ĐB Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) thấy qui định cấp thẻ CCCD cho người dưới 15 tuổi còn “tạo sự phiền hà và thêm thủ tục cho công dân” nên cho rằng, chỉ nên quy định theo hướng trẻ sinh ra, bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ CCCD đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của Dự thảo Luật.
Cũng phân tích về sự phiền hà, ĐB Nguyễn Ngọc Phương còn chỉ ra việc cấp thẻ CCCD cho công dân “nhí” sẽ tăng thêm biên chế, kỹ thuật, công nghệ, phương tiện phục vụ. Đặc biệt, ĐB này khẳng định: “Thẻ CCCD không thể thay giấy khai sinh, nhất là khi mọi người đều có quyền có giấy khai sinh nhưng thẻ CCCD chỉ cấp cho công dân”...
“Bấm nút thông qua Luật thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy rất phức tạp”
Mặc dù Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đề cập đến quy định chuyển tiếp cho phép tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) sau khi có thẻ CCCD, không phải mất chi phí, công sức, thời gian để đổi từ CMND sang thẻ CCCD, nhưng với ĐBQH, đánh giá như vậy “chưa thật đầy đủ và chính xác như chưa dự liệu hết kinh phí của Nhà nước và người dân phải bỏ ra để chuyển từ CMND sang CCCD”.
Với nhận định, về bản chất của CCCD và CMND không có gì thay đổi, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) không đồng tình với việc thay đổi tên gọi CMND thành CCCD vì “Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua Luật thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp” liên quan đến hồ sơ, lý lịch, văn bản, giấy tờ lưu trữ và cả trong quá trình quản lý dân cư. 
Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH còn không khỏi lo lắng trước dự báo về những rắc rối, xáo trộn không cần thiết cho người dân trong thời gian CMND và thẻ CCCD cùng song hành có hiệu lực. Thậm chí cả sau khi CMND được đổi hoàn toàn sang thẻ CCCD, liệu người dân có cần phải có thêm giấy xác nhận để tiếp tục thực hiện các giao dịch được thiết lập bằng số CMND như khi đổi từ CMND 9 số sang 12 số hiện nay? 
Lo ngại đến việc phải tiến hành nhiều dự án khác nữa để có thể thay thế được các loại giấy tờ, dữ liệu cá nhân đa dạng, do nhiều Bộ, ngành đang quản lý vào thẻ CCCD, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, Dự án Luật cần được nghiên cứu thêm để đầy đủ và có tác dụng lâu dài, có tầm nhìn xa hơn, “tránh trường hợp làm đợt này rồi nếu muốn thẻ CCCD thay thế được giấy tờ khác lại phải bổ sung một dự án khác, tốn kém tiền bạc và công sức”.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phó ban Nội chính TƯ): “Theo tôi, không nên đặt vấn đề về thẻ CCCD khi đã có CMND. Nếu cần phải thay đổi thì nên là thẻ công dân, cấp cùng Giấy khai sinh khi công dân chào đời và được cập nhật thông tin lần thứ nhất khi công dân đủ 14 tuổi và cập nhật định kỳ sau mỗi 10 hoặc 15 năm, chứ không nên qui định thời hạn đổi thẻ khác nhau đối với từng độ tuổi như Dự thảo Luật CCCD. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét về cơ quan quản lý, cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu CCCD vì trong số 18 loại thông tin trên cơ sở dữ liệu này thì có đến 11 thông tin thuộc về lĩnh vực hộ tịch. Và dù có thẻ CCCD hay thẻ công dân thì vẫn phải giữ giấy khai sinh vì đây là giấy tờ đầu tiên của mỗi cá nhân, là giấy tờ gốc cho việc xác định các thông số quan trọng của một cá nhân”.

Đọc thêm