Đưa quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án vào cuộc sống

(PLVN) - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải” ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tin tưởng hai ngành Tòa án và Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp đã ký giữa hai Cơ quan, nhất là việc đưa quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị.

Nhất trí với các kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở được nêu trong các báo cáo, phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã điểm lại một số kết quả nổi bật của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội. 

Từ ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, cùng với các báo cáo, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã khái quát một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của công tác hòa giải. Đồng thời đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, cùng ngành Tư pháp, ngành Tòa án đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm nâng cao kỹ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải; 

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Tư pháp trong thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. 

Với việc Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng tin tưởng hai ngành Tòa án và Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp đã ký giữa hai Cơ quan, nhất là việc đưa quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đi vào cuộc sống; nhân rộng, triển khai có hiệu quả mô hình hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về phía Bộ Tư pháp, sẽ tăng cường các biện pháp truyền thông theo hướng “toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở” theo Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở cần được triển khai thực hiện có sự gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận; 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở; cần tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa...

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến
 Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến

Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đến nay, cả nước có khoảng hơn 96 ngàn tổ chức hòa giải được thành lập ở thôn, tổ dân phố với hơn 600 ngàn hòa giải viên, số lượng được củng cố, kiện toàn, chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ được nâng cao đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. 

Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140 ngàn vụ việc và hòa giải thành trên 120 ngàn vụ việc. 

Công tác hòa giải qua 6 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. 

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị, Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở;

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời đề nghị TANDTC phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 62/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 của TANDTC và Bộ Tư pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2023...

Đọc thêm