Giải pháp hạn chế 'quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá tài sản

(PLO) - Thời gian qua, triển khai các quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực, tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu giá tài sản. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về quy định của pháp luật, Bộ đã tham mưu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Đấu giá tài sản với nhiều quy định chặt chẽ hơn về đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá, về trình tự, thủ tục đấu giá… Cụ thể, Luật đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá.

Luật nghiêm cấm các bên có hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản…

Ngoài ra, Luật nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên bằng việc quy định theo hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian 6 tháng (người có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 6 tháng và đạt yêu cầu...

Đặc biệt, nhằm đảm bảo tính minh bạch, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, Luật quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chặt chẽ hơn; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến; nâng tỉ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp (5%-20%). Luật còn quy định người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục, yêu cầu đấu giá viên dừng việc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá…

Bên cạnh đó, để có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với hành vi thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, theo quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi thông đồng, dìm giá sẽ cấu thành tội phạm thay vì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính như trước đây. Bộ cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức bán đấu giá tài sản.

Theo kế hoạch trong năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp và Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tổ chức 7 đoàn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai... qua đó nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đối với đấu giá viên, chú trọng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm pháp lý, trách nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề.  

Đọc thêm