Giải pháp tiết kiệm 20% kinh phí cho hoạt động giám định

(PLVN) - Hiện nay, trong nhiều vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, có tình trạng do không có sự về nhận thức, quan điểm giữa cơ quan kiểm sát, tòa án với cơ quan điều tra về việc cần hay không cần trưng cầu giám định nên phải trưng cầu giám định nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết, tốn kém chi phí. Để giải quyết thực trạng này, Bộ Tư pháp đang tính đến một giải pháp có thể giúp tiết kiệm được 20% số kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả cho hoạt động giám định.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tư pháp tại Báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) thì trung bình mỗi năm trong toàn quốc, các tổ chức GĐTP thực hiện 130 nghìn vụ việc giám định trên cơ sở trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Chi phí (trực tiếp) cho một nội dung giám định mà ngân sách Nhà nước phải chi trả (thông qua cơ quan trưng cầu giám định) theo quy định hiện hành gồm phí GĐTP của từng lĩnh vực giám định do Bộ Tài chính ban hành theo đề nghị của bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định (như phí giám định pháp y quy định tại Thông tư số 34/2014/TT-BTC, phí giám định pháp y tâm thần quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BTC, phí giám định kỹ thuật hình sự quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BTC) và tiền bồi dưỡng GĐTP theo quy định tại Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng GĐTP (theo đó, người giám định được hưởng chế độ bồi dưỡng theo vụ việc giám định đối với giám định pháp y tử thi, giám định thương tích, tổn hại sức khỏe, giám định pháp y tâm thần hoặc theo ngày công thực tế thực hiện giám định được quy định mức cụ thể của từng nội dung giám định trong các lĩnh vực khác).

Theo các quy định trên, mỗi vụ việc cần giám định có mức chi rất khác nhau, tùy thuộc nội dung cần giám định (trong một vụ việc có thể có nhiều nội dung giám định). Chẳng hạn, giám định trong lĩnh vực đất đai có thể giám định các nội dung về việc áp dụng chính sách về giao đất, cho thuê đất, việc thu tiền sử dụng đất. Hay giám định trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ có thể phải giám định các nội dung về việc thực hiện quy trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt cho vay vốn, giải ngân, việc kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay vốn… Hoặc trong giám định pháp y thương tích (xác định tổn hại sức khỏe) có thể phải thực hiện giám định các nội dung về nhiều bộ phận trên cơ thể người sống.

Từ đó cho thấy, để xác định cụ thể chi phí giám định để tính toán về lợi ích là rất khó và không khả thi. Vì thế, Bộ Tư pháp áp dụng phương pháp ước tính để xác định số trung bình chi phí trong một vụ việc giám định làm căn cứ xác định lợi ích của Nhà nước khi áp dụng chính sách này. Cụ thể như sau: Dự tính trung bình ở tất cả các lĩnh vực thì chi phí cho hoạt động trưng cầu thực hiện giám định khoảng 30 triệu đồng/vụ việc thì tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cần chi cho việc trưng cầu giám định là 3,9 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan trong Luật GĐTP theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các tổ chức chuyên môn khác trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định.

Nếu thực hiện giải pháp sửa đổi này thì công tác trưng cầu giám định, việc tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định và việc tổ chức thực hiện giám định được rút ngắn về thời gian, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc, qua đấy tiết kiệm chi phí thời gian và chi phí ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời giảm chi phí liên quan đối với cá nhân, tổ chức vào nền nếp. Ước tính của Bộ là sẽ tiết kiệm khoảng 20% số kinh phí ngân sách Nhà nước chi trả cho hoạt động giám định, tương ứng sẽ tiết kiệm được 780 tỷ đồng. 

Đọc thêm