Giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các yêu cầu bồi thường nhà nước

(PLVN) - Lâu nay, việc giải quyết thương lượng bồi thường cho người bị oan sai luôn là câu chuyện không hề dễ dàng. Vì vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành (Luật TNBTCNN năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018) đã có nhiều quy định tiến bộ nhằm bảo đảm việc giải quyết bồi thường nhà nước nhanh chóng, hiệu quả.
Một buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước tại Bắc Ninh.
Một buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước tại Bắc Ninh.

Thương lượng kéo dài, người bị oan sai càng vất vả

Người bị oan sai vốn đã phải chịu khổ rất nhiều nhưng trong không ít vụ việc, quá trình thương lượng kéo dài lại khiến họ càng thêm phần vất vả. Điển hình nhất chính là vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận).

Đây là vụ đặc biệt khó khăn, ở chỗ ông Huỳnh Văn Nén không chỉ bị kết án ở 1 vụ án oan mà là ở 2 vụ nên thiệt hại thực tế lớn hơn những người bình thường. Trong vụ việc trên, phải đến lần thương lượng thứ 7, giữa người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường (TAND tỉnh Bình Thuận) mới cùng thống nhất, đạt thỏa thuận về mức bồi thường là hơn 10 tỷ đồng.  

Kết quả tổng kết 7 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trước đây (Luật TNBTCNN năm 2009) cũng chỉ ra, cả nước có hơn 250 trường hợp phải bồi thường, nhưng chỉ một vụ được giải quyết đúng thời hạn, còn lại đều quá thời hạn, thậm chí có những vụ kéo dài nhiều năm. Để khắc phục tối đa hạn chế này, Luật TNBTCNN năm 2017 kiên quyết rút ngắn thời hạn thương lượng việc bồi thường so với Luật năm 2009. 

Cụ thể, theo Điều 19 Luật TNBTCNN năm 2009, thời hạn tiến hành thương lượng kéo dài từ 30 đến 45 ngày. Còn Luật TNBCNN năm 2017 quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường (thời gian xác minh, thụ lý từ 125 ngày trước đây xuống còn tối đa 71 ngày). Quá trình tiến hành thương lượng cũng được rút ngắn chỉ còn từ 10 đến 15 ngày. 

Thời hạn thương lượng có thể được kéo dài theo thỏa thuận giữa người yêu cầu bồi thường và người giải quyết bồi thường nhưng tối đa là 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 46. Luật năm 2017 còn quy định rõ, thương lượng thành công sẽ trao quyết định ngay; nếu không thành cũng phải gửi biên bản thương lượng để người bị thiệt hại lấy biên bản này có thể khởi kiện ra Tòa giải quyết. 

Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường

Không chỉ tạo điều kiện tối đa cho các bên trong quá trình thương lượng giải quyết bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường. Theo đó, Luật năm 2017 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (thay vì 02 năm, kể từ ngày ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định hiện nay), ngoại trừ hai trường hợp.

Một là, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó, hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường.

Ông Huỳnh Văn Nén vất vả khi quá trình thương lượng bồi thường oan sai kéo dài. (Ảnh minh họa)
Ông Huỳnh Văn Nén vất vả khi quá trình thương lượng bồi thường oan sai kéo dài. (Ảnh minh họa)

Hai là, đối với yêu cầu phục hồi danh dự: nếu người bị thiệt hại đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì việc phục hồi danh dự được thực hiện khi người bị thiệt hại có yêu cầu bằng văn bản, trừ khi người bị thiệt hại từ chối quyền được phục hồi danh dự theo quy định của Luật này thì không còn quyền yêu cầu phục hồi danh dự và việc từ chối cũng phải thể hiện bằng văn bản.

Tuy nhiên, qua thực tiễn gần 1 năm triển khai Luật năm 2017, một số địa phương vẫn khá lúng túng về thời gian giải quyết thủ tục bồi thường nhà nước. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, không thể xác định được một thời hạn chung về giải quyết bồi thường cho tất cả các vụ việc giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Bởi lẽ, thời gian thực hiện phụ thuộc vào nhiều sự kiện thực tế trong quá trình giải quyết của từng vụ việc như: các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời gian xác minh thiệt hại, thời gian thương lượng; phát sinh việc hoãn hoặc tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường... khi mà việc giải quyết yêu cầu bồi thường là một quy trình với nhiều hoạt động xử lý nghiệp vụ phức tạp, cần sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hơn nữa, nếu vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thuận lợi, không có các trường hợp phức tạp cần phải kéo dài thời hạn hoặc không có tình tiết dẫn đến hoãn, tạm đình chỉ… thì thời hạn giải quyết bồi thường tối thiểu quy định trong Luật là 47 ngày kể từ ngày cơ quan giải quyết bồi thường tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ. Còn đối với vụ việc mà phát sinh thêm các trường hợp dẫn đến phải kéo dài, phải hoãn, tạm đình chỉ giải quyết bồi thường thì thời hạn sẽ kéo dài thêm tùy từng trường hợp.

Đọc thêm