Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp

(PLVN) -Trong thời gian qua, bộ, ngành Tư pháp và các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả để giảm chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1).
Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp

Năm 2020, các bộ, ngành đã tập trung thực hiện rà soát, đánh giá các quy định để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo hướng cắt giảm triệt để chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Tại các địa phương, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát VBQPPL, đảm bảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với văn bản của cấp trên và đảm bảo không có quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch; tiếp nhận và giải quyết nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Như UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành rà soát, tham mưu HĐND tỉnh trình UBND tỉnh giảm mức thu đối với một số loại phí có ảnh hưởng đến doanh nghiệp: giảm 20-30% phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng trong khu vực cửa khẩu đối với phương tiện vận tải hàng hóa vào các cửa khẩu tỉnh Quảng Bình.

UBND tỉnh Quảng Ninh (Sở Kế hoạch và đầu tư) đã tiếp nhận 82 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó đã giải quyết 73 phản ánh, kiến nghị, 09 phản ánh, kiến nghị chưa trả lời; Đắk Lắk đã tiếp nhận 105 phản ánh, kiến nghị, trong đó giải quyết xử lý hết 105 phản ánh, kiến nghị…

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động tạm dừng, cắt giảm, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra; không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động xử lý chồng chéo các cuộc thanh tra kiểm tra giữa các đơn vị, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Không những thế, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp đảm bảo an toàn, linh hoạt trong thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những thay đổi để phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh, như kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hội thảo, tọa đàm với các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác như: đăng tải thông tin trên báo, đài phát thanh, phát tở rơi, tài liệu...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực thi nhiệm vụ, giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ và chia sẻ; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả cao do nhiều địa phương không bố trí được cán bộ chuyên trách, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều địa phương còn chưa tập trung đủ nguồn lực để giải quyết triệt để những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật, các bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện điểm số, duy trì và nâng thứ hạng chỉ số B1 đã được nêu ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2019 và 2020.

Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; bố trí đủ kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 của bộ, ngành, địa phương.

Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các kiến nghị về hoàn thiện các VBQPPL chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu thời gian, tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ pháp luật, tăng cường thanh tra công vụ, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định của pháp luật về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1...

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm