Giản lược các tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(PLVN) -Sáng 25/11, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa. 
Giản lược các tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết hiện nay, chuẩn TCPL và việc đánh giá, công nhận xã phường thị trấn đạt chuẩn TCPL được thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã phường thị trấn đạt chuẩn TCPL. Sau 3 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn triển khai thực hiện xây dựng xã phường thị trấn đạt chuẩn TCPL đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định. 

 

Do vậy, Hội thảo nhằm trao đổi, tiếp thu các ý kiến để làm rõ hơn, sâu sắc hơn các nội dung của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL với mục tiêu tạo ra được các quy chuẩn, chuẩn hóa tiêu chí đánh giá chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện công tác này. 

“Chúng ta phải đảm bảo được quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân, đảm bảo người dân được hưởng các quyền lợi pháp lý từ các quy định đó, từ đó phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tại cơ sở. Do đó, chuẩn TCPL là những tiêu chí để chính quyền cấp xã vận hành các chức năng, quyền hạn của mình và phúc đáp quyền TCPL của người dân một cách tốt nhất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết: Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, trong đó nhấn mạnh “bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa công tác PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, hướng mạnh về cơ sở, gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL”. Theo tinh thần đó, thời gian tới, công tác PBGDPL thời gian tới cần đi vào thực chất, nâng cao ý thức, nhận thức thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật của người dân. Vì vậy việc xây dựng dự thảo Quyết định và triển khai sau này cần đúng, trúng, khả thi, thiết thực góp phần vào việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, công tác tư pháp tại các địa phương.

 

Thông tin về một số nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung, quy định mới tại dự thảo Quyết định, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL được sửa đổi theo hướng giản lược, phù hợp thực tế, đảm bảo ổn định số lượng tiêu chí (5 tiêu chí) nhưng giảm số lượng và nội dung của chỉ tiêu. Nội dung các chỉ tiêu được quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định để áp dụng trực tiếp, không phải chờ hướng dẫn. Tiêu chí “PBGDPL” và “thực hiện dân chủ ở cơ sở” giữ nguyên tên gọi; tách tiêu chí “bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật” thành tiêu chí “ban hành văn bản thực thi chính sách, pháp luật trên địa bàn” và “chấp hành chính sách, pháp luật” trong đó có tích hợp tiêu chí “thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã”; sửa đổi tiêu chí “hòa giải ở cơ sở” thành “hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý” để phù hợp với việc bổ sung hoạt động trợ giúp pháp lý…

Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL được sửa đổi, hoàn thiện, trong đó kế thừa 2 điều kiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg. Điều kiện về cán bộ, công chức cấp xã vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật được sửa đổi, bảo đảm chặt chẽ, thu hẹp và chỉ áp dụng với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã. Bỏ điều kiện đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về thực hiện thủ tục hành chính và quy định đây là khâu hậu kiểm theo hướng đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả của công tác TCPL thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã mang lại cho họ.

 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Kim Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho rằng dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã và trách nhiệm của cán bộ, công chức tuy nhiên chưa quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện công tác đánh giá chuẩn TCPL. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm từ cả hai phía thì mới đạt hiệu quả trong công tác này.

Về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, bà Ánh cho rằng quy định “không có tiêu chí nào dưới 50% điểm tối đa” là chưa hợp lý, nên lựa chọn tỷ lệ phù hợp với mức độ khó – dễ của từng tiêu chí chứ không nên đánh giá đồng đều đồng thời cần bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa ngành Tư pháp với ngành Nông nghiệp để đánh giá các tiêu chí xã nông thôn mới được chuẩn xác. Cùng với đó, cần cân nhắc quy định “Không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật” trong khi đánh giá xã đạt chuẩn TCPL bởi tiêu chí này thực tế bộc lộ khá nhiều bất cập.

 

Liên quan tới điều kiện nêu trên, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh cho rằng nếu quy định “không có cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức” sẽ vênh với tiêu chí Đảng bộ, chính quyền xã đạt chuẩn “trong sạch, vững mạnh” thì mới được xét, công nhận xã nông thôn mới. Bởi theo ông Vũ, chỉ cần cán bộ, công chức bị “cảnh cáo” là đã không “trong sạch, vững mạnh” rồi, do vậy không cần quy định điều kiện “từ hình thức cảnh cáo trở lên”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện một số Bộ, ngành, Sở Tư pháp địa phương đã tích cực đóng góp các ý kiến để dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. 

Đọc thêm