Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc

(PLO) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã khẳng định như vậy khi đề cập đến ý nghĩa của giấy khai sinh tại buổi họp báo do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức sáng qua (12/12) để công bố các Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 Luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có Luật Hộ tịch và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Luật Hộ tịch quy định vẫn giữ giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn
Luật Hộ tịch quy định vẫn giữ giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn
Bảo đảm lợi ích của người dân
Luật Hộ tịch được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Luật có nhiều qui định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác hộ tịch theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. 
Trong đó, đề cập đến tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh, cấp số định danh cá nhân (khi đăng ký khai sinh) là số thẻ căn cước công dân được cấp khi công dân đủ 14 tuổi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý: “Không có chuyện Bộ Tư pháp và Bộ Công an có ý kiến khác nhau về việc giữ giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn trong Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân vì đây đều là hai Luật do Chính phủ trình nên đã có sự thống nhất”. 
Đồng thời, “cách hiểu khi có căn cước công dân không cần giấy khai sinh là hiểu lầm lớn vì đây là giấy tờ quan trọng đối với bất kỳ công dân nào, được công nhận trên toàn thế giới, nhất là từ khi khai sinh đến trước khi có thẻ căn cước công dân (đủ 14 tuổi), là căn cứ xác định thông tin hộ tịch gốc của công dân trong suốt cuộc đời” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ.
Ngoài ra, Luật Hộ tịch cũng mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch. Theo đó, Luật qui định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch tại nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống mà không phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. 
Luật cũng phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép. 
Thủ tục đăng ký hộ tịch trong Luật Hộ tịch được qui định theo hướng đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cần thiết. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch, riêng một số việc hộ tịch quan trọng liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân là kết hôn và khai sinh thì được cấp bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.
Theo Luật Hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử sẽ được xây dựng để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân song song với cơ sở dữ liệu giấy, đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý  tập trung, thống nhất, các Bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đề cao yếu tố con người trong thi hành Luật Hộ tịch, Luật Hộ tịch đã luật hóa những qui định về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt công chức tư pháp – hộ tịch phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên, được bồi dưỡng  nghiệp vụ hộ tịch và có trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc. 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch hiện nay, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ này, dự kiến từ nay đến năm 2016 phải chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch và đến trước ngày 1/1/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này. Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Người dân không phải chịu chi phí xác minh điều  kiện thi hành án
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) chủ yếu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác THADS hiện nay, nhất là về trình tự, thủ tục thi hành án (THA) thông qua bổ sung qui định về quyền, nghĩa vụ của người được THA, người phải THA và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức THA. 
Mặt khác, để phù hợp với thực tiễn, Luật đã sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện THA từ nghĩa vụ của người được THA thành trách nhiệm của cơ quan THADS nhằm giảm bớt khó  khăn cho người được THA, đồng thời qui định người được THA không phải chịu chi phí xác minh. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cho biết, chi phí này sẽ do Nhà nước chi trả trong quá trình cơ quan THADS tiến hành xác minh điều kiện THA.
Luật cũng bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của tòa án nhằm đảm bảo việc phân công rõ ràng, hợp lý trách nhiệm giữa tòa án với cơ quan THADS trong việc thi hành bản án, quyết định của tòa án; tăng cường trách nhiệm và hoàn thiện qui trình, thủ tục pháp lý để tòa án, theo chức năng của mình, giải thích, làm rõ nội dung bản án, quyết định của tòa án. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan tòa án, THADS và kiểm sát trong việc THADS được bảo đảm tốt hơn,  phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013.
Nhằm tăng  cường trách nhiệm, quyền hạn của UBND các cấp trong THADS, Luật bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới xác định rõ hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS và tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiện toàn đội ngũ chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan THADS, qui định đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn về trình tự, thủ tục THADS. 
Theo ông Nguyễn Văn Sơn: “Trong mọi trường hợp, cơ quan THADS phải thực hiện chức năng THA chứ không phó thác cho cơ quan, cá nhân nào, nhưng như vậy không có nghĩa là cơ quan THA có thể tự mình thực hiện mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, vì thế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã qui định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án, cơ quan THADS, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS. 
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. 
Cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch Nước cũng công bố các lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Giáo dục dạy nghề, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đọc thêm