Giãy nảy với quy định “Công chứng không vì mục đích lợi nhuận”

(PLO) - Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trình ra Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này đưa vào nguyên tắc hành nghề công chứng (Điều 4) một quy định hoàn toàn mới, đó là “không vì mục đích lợi nhuận”. Quy định này lập tức trở thành tâm điểm của nhiều ý kiến tranh luận. 
Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng
Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng
Dịch vụ công nên đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu 
Theo quy định tại Điều 3 Luật Công chứng hiện hành, nguyên tắc hành nghề công chứng bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;  Khách quan, trung thực;  Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng; Tuân theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Tháng 10/2012, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 11 ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, trong đó Điều 2 về nguyên tắc hành nghề công chứng quy định rõ công chứng viên phải tuân thủ 3 nguyên tắc. Một là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hai là: Khách quan, trung thực khi thực hiện công chứng, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến chất lượng việc công chứng cũng như phân biệt đối xử với người yêu cầu công chứng. Ba là: Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. 
Tại lần trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hồi tháng 11/2013, nguyên tắc hành nghề “Không vì mục đích lợi nhuận” cũng chưa được quy định tại điều khoản nào trong Dự Luật. 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trình ra Kỳ họp thứ 7 lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Về nguyên tắc hành nghề công chứng (Điều 4),  có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu. 
Đồng thời, đây là loại hình dịch vụ do Nhà nước ủy quyền, Nhà nước cũng đặt ra giới hạn về số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn nhất định, do đó tính cạnh tranh trong hoạt động này đã bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không thể sử dụng các lợi thế này để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như các hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường. 
Loại ý kiến thứ hai còn băn khoăn vì Văn phòng công chứng hoạt động tương tự như một doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước nên dù cung cấp dịch vụ công thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. 
Mặt khác, quy định nguyên tắc hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi Phòng công chứng hay chuyển nhượng Văn phòng công chứng. Bởi nếu không có lợi nhuận thì bên nhận chuyển nhượng hoặc chuyển đổi tổ chức hành nghề công chứng sẽ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra cho việc nhận chuyển đổi, chuyển nhượng Văn phòng công chứng bằng cách nào?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định. Vì vậy, hoạt động công chứng chủ yếu phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân. 
Trên cơ sở đó, Luật mới có thể quy định tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan nhà nước như giới hạn về địa bàn hoạt động, về hình thức tổ chức hoạt động và chỉ được thu phí công chứng theo quy định của Nhà nước. Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” trong hoạt động công chứng như thể hiện tại Điều 4 của Dự Luật. 
Không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận?
Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích rõ lý do đưa nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” vào Dự thảo Luật lần này nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn chưa cảm thấy yên tâm. 
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) cho biết: “Nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận chỉ phù hợp với mô hình phòng công chứng do Nhà nước bao cấp. Nhưng theo luật,  mô hình này sẽ bị hạn chế dần, thay vào đó là các Văn phòng công chứng tư nhân hoạt động mang tính chất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp”. 
Cũng theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa: “Hiện nay các Văn phòng công chứng đều tập trung nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị hiện đại bằng nguồn tiền của họ chứ không phải dùng ngân sách nhà nước. Thậm chí, họ phải chịu trách nhiệm việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu có lỗi, nên dù hoạt động ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ hay công ích thì Văn phòng công chứng cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận”. 
Thậm chí, Đại biểu Huỳnh Nghĩa còn cho rằng, nếu chúng ta có đưa hay không đưa nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” vào Luật thì các Văn phòng công chứng vẫn phải tìm mọi cách để hoạt động, sử dụng nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh như một doanh nghiệp kinh doanh bình thường với mục đích cuối cùng là tìm lợi nhuận ở mức độ cao nhất có thể.  Và như vậy, việc đưa nguyên tắc này vào Luật cũng chỉ mang tính  hình thức, không phù hợp với thực tế. 
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (tỉnh Sóc Trăng) thì cho rằng, quy định nguyên tắc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận là không phù hợp. Bởi lẽ Văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, việc cung cấp dịch vụ vẫn có yếu tố lợi nhuận để duy trì hoạt động. Mặt khác, hành nghề công chứng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn với quy định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng, nếu không có lợi nhuận thì sẽ không có việc chuyển nhượng hay chuyển đổi để đảm bảo phù hợp với chức năng xã hội của công chứng viên. Từ phân tích này, Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên đề nghị Khoản 3 Điều 4 được viết lại thành: “Không chỉ vì mục đích lợi nhuận”. 
Cùng quan điểm, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) khẳng định: “Văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận… Nếu Luật Công chứng coi công chứng là một loại hình dịch vụ phi lợi nhuận thì chắc chắn rằng không ai bỏ vốn ra để thành lập các Văn phòng công chứng”. 
Trước các ý kiến khác nhau về một số quy định tại Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội xem xét. Theo Chương trình dự kiến, Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6 tới. H.T
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 Phòng công chứng và 487 Văn phòng công chứng (bao gồm: 352 Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và 135 Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh). So với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, cả nước phát triển thêm được 484 tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, số tổ chức hành nghề công chứng hiện tại tăng 4,77 lần so với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực.
Hiện 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa.  So với bình diện chung trong cả nước, việc xã hội hóa hoạt động công chứng được tiến hành tương đối mạnh tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (86 Văn phòng công chứng), TP.HCM (34 Văn phòng công chứng),  Thanh Hóa (24 Văn phòng công chứng), Nghệ An (22 Văn phòng công chứng), Đồng Nai (22 Văn phòng công chứng)... 

Đọc thêm