Gỡ vướng khi thực hiện giải tỏa kê biên tài sản

(PLVN) - Hiện nay, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong cưỡng chế THADS còn hạn chế nhất định thì nhiều quy định liên quan tới cưỡng chế THADS còn thiếu cụ thể, rõ ràng, thậm chí còn mâu thuẫn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cưỡng chế cũng như việc thực hiện pháp luật của các chấp hành viên.
Gỡ vướng khi thực hiện giải tỏa kê biên tài sản

Theo quy định tại Điều 115, Luật THADS, nếu người phải thi hành án không tự chuyển tài sản ra khỏi nhà đất thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa tài sản ra khỏi nhà đất. Tuy nhiên, trong trường hợp người phải thi hành án chống đối thì việc đưa tài sản ra hết sức khó khăn bởi không thể xác định được đầy đủ tài sản của người phải thi hành án gồm những gì, thậm chí, nhiều tài sản mà cơ quan THADS, cơ quan chuyên môn cũng không thể nhận biết và mô tả như thế nào, nhiều tài sản nằm ở những vị trí mà người tiến hành cưỡng chế không thể biết được (như nằm dưới đất, âm tường, trên mái nhà...). Thực tế này dẫn đến sau khi tổ chức cưỡng chế xong thì người phải thi hành án cho rằng vẫn còn tài sản của họ trong nhà, xưởng, quyền sử dụng đất đã được giao cho người được thi hành án.

Một vướng mắc phải kể đến đó là quy định về thực hiện việc giải tỏa kê biên. Theo Điều 105, Luật THADS thì giải tỏa kê biên tài sản được thực hiện trong các trường hợp: Đương sự thỏa thuận về việc giải tỏa kê biên tài sản mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; Đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của Luật này; Có quyết định của người có thẩm quyền hủy bỏ quyết định kê biên tài sản; Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

Chấp hành viên ra quyết định giải tỏa kê biên và trả lại tài sản cho người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, theo điểm c khoản 1 Điều 105, việc giải tỏa kê biên tài sản được thực hiện khi có quyết định của người có thẩm quyền hủy bỏ quyết định kê biên tài sản. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 75 Luật THADS về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án thì: Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. 

Trong thực tế xảy ra 2 trường hợp đó là: Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền không chấp nhận yêu cầu của người có tranh chấp thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định. Trường hợp khác là Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, chấp nhận yêu cầu của người có tranh chấp, xác định tài sản kê biên thuộc về người có tranh chấp không phải của người phải thi hành án. Lúc này Chấp hành viên áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 37 Luật THADS ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế. Nhưng thu hồi quyết định cưỡng chế khác với giải tỏa kê biên, ảnh hưởng đến quyền lợi của người có tài sản. 

Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung vào Điểm c Khoản 1 Điều 105 Luật THADS nội dung: “Có quyết định thu hồi quyết định kê biên hoặc có quyết định của người có thẩm quyền hủy bỏ quyết định kê biên tài sản, hoặc khi tài sản kê biên không còn”.

Đọc thêm