Gỡ vướng trong công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản

(PLVN) -Tài sản thi hành án dân sự hiện nay chủ yếu được xử lý thông qua hình thức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, các thủ tục này còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng tới tiến độ và kết quả thi hành án.
Gỡ vướng trong công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản

Việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá hiện nay chưa có quy định cụ thể mặc dù pháp luật đã quy định các trường hợp Chấp hành viên ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, tuy nhiên về trình tự, thủ tục lựa chọn tổ chức thẩm định giá và trách nhiệm, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan THADS và Chấp hành viên lại không được quy định rõ trong hoạt động này. Từ đó dẫn đến tình trạng Chấp hành viên thụ động ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá mà chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động thẩm định giá để đảm bảo tình trạng thẩm định giá đúng với giá trị của tài sản gây khó khăn cho quá trình bán đấu giá tài sản.

Cùng với đó, quy định pháp luật về thi hành án còn chưa thống nhất với quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản như: Luật Giá quy định chứng thư thẩm định giá chỉ có giá trị trong thời hạn 6 tháng, tuy nhiên tại Điều 99 Luật THADS không quy định về việc thẩm định giá lại trong trường hợp chứng thư thẩm định giá đã quá thời hạn ghi trong chứng thư thẩm định giá.

Những tồn tại, vướng mắc trong công tác thẩm định cũng phần nào ảnh hưởng tới công tác bán đấu giá tài sản. Hiện nay, ác việc thi hành án có bán đấu giá tài sản đều là việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị về tiền phải thi hành án lớn. Trong khi đó, tài sản đảm bảo khoản phải thi hành án nhỏ hơn nhiều so với khoản phải thi hành án dẫn đến kết quả, hiệu quả công tác thi hành án còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, số án tồn đọng nhiều chính là từ án tín dụng, ngân hàng và phần lớn các việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng thuộc trường hợp nợ xấu, được ưu tiên xử lý để giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Tài sản bảo đảm thi hành án để bán đấu giá đa số là bất động sản, tuy nhiên, tại thời điểm thế chấp được định giá cao nhưng đến thời điểm kê biên, xử lý tài sản thì giá trị tài sản giảm đi rất nhiều; nhiều tài sản ở các địa bàn ít giao dịch, khó khăn trong thẩm định giá, bán đấu giá, có những vụ việc bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành do không có người tham gia đăng ký đấu giá, trả giá. Khi tài sản bị đưa ra bán đấu giá thì một số trường hợp đương sự lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài thời gian bán đấu giá tài sản, thời gian giao tài sản bán đấu giá và tổ chức thi hành án.

Ngoài ra, các quy trình, thời hạn thủ tục kê biên, xử lý, bán đấu giá tài sản còn bất cập như: pháp luật quy định trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày kê biên, Chấp hành viên phải thực hiện việc thông báo, cho đương sự thỏa thuận về giá hoặc tổ chức thẩm định giá; quy định về việc ký hợp đồng bán đấu giá trong thời hạn 10 ngày gây khó khăn cho Chấp hành viên khi thực hiện đối với các trường hợp một trong các đương sự có quyền thỏa thuận đang thụ hình tại trại giam…

Ngoài ra, trong những năm gần đây, các cơ quan THADS phải tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, đặc biệt là các vụ án liên quan đến đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng có tài sản phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều đương sự cư trú hoặc thụ hình tại các địa phương hoặc trại giam khác nhau, một số đương sự liên tục bị khởi tố, điều tra ở nhiều vụ án dẫn đến cán bộ cơ quan THADS không trực tiếp làm việc được với đương sự giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Để góp phần tháo gỡ những bất cập nêu trên, Lãnh đạo các cơ quan THADS cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sát sao, quyết liệt đến từng đơn vị, Chấp hành viên; tranh thủ sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong công tác THADS, đặc biệt là thi hành án tín dụng, ngân hàng, giải quyết nợ xấu.

Chấp hành viên cần lưu ý khi thực hiện việc ký kết các hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá với các tổ chức có đầy đủ năng lực, uy tín theo quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tăng cường việc giám sát các tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá; xử lý nghiêm các hoạt động thông đồng nhằm trục lợi trong quá trình xử lý tài sản thi hành án.

Các cơ quan THADS cần chủ động, tăng cường triển khai chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thi hành án có tài sản thẩm định giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng chưa thành và đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Đồng thời quan tâm hơn nữa tới công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tham mưu để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị và Chấp hành viên. 

Đọc thêm