Gỡ vướng trong giám định thiệt hại về các khoản vay ngân hàng

(PLVN) -Việc giám định thiệt hại trong quá trình cho vay của các tổ chức tín dụng thời gian qua đã đáp ứng tốt cho yêu cầu của các cơ quan tố tụng, bảo đảm thời gian quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giám định đòi hỏi sớm khắc phục.

Kéo dài thời gian giải quyết vụ án

Điển hình, có thể kể đến những khó khăn, vướng mắc trong các vụ án như vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV, BIDV chi nhánh Hà Thành, chi nhánh Hà Tĩnh và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng. Một trong những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vụ án là phải đợi kết luận giám định các gói thầu để xác định chính xác việc nâng khống các hạng mục thi công gói thầu chiếm đoạt tiền của BIDV, làm rõ được hậu quả thiệt hại trong việc cho vay trái các quy định của ngân hàng… để đánh giá, xử lý hành vi của các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, ngay sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) đã yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Hà Tĩnh định giá tài sản. Nhưng gần 1 năm trời mới có kết luận định giá tài sản, ảnh hưởng đến việc xác định hành vi vi phạm của các bị can và đối tượng có liên quan.

Hay trong vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm “Vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (giai đoạn 2 vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm). Vụ án khởi tố ngày 24/12/2018, trong quá trình điều tra, do công tác giám định định giá tài sản đảm bảo liên quan đến các khoản vay để xác định vi phạm, thiệt hại, hậu quả và diện đối tượng xử lý chậm nên phải gia hạn thời hạn điều tra lần thứ 2, 3 để đợi kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.

Đến khi có Kết luận điều tra, truy tố và chuyển hồ sơ đến TAND TP HCM để xét xử vụ án thì vì Hội đồng định giá chưa có Kết luận định giá tài sản liên quan đến các khoản vay thuộc nhóm khách hàng Lê Anh Tuấn – Nguyễn Thị Ngọ nên chưa đủ căn cứ để kết luận điều tra, đề nghị truy tố với sai phạm của 3 bị can Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Ngọc Vân và Nguyễn Đức Tài trong việc DAB cho nhóm khách hàng Nguyễn Thị Ngọ vay tiền. Do đó, Cơ quan điều tra đã phải tách vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” về hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến nhóm khách hàng Nguyễn Thị Ngọ vay tiền để xử lý sau.

Quy định rõ nguyên tắc xác định thiệt hại

Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn trong giám định thiệt hại, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân trần: Quan hệ cho vay khi các bên (bên vay và bên cho vay) theo hợp đồng tín dụng vẫn tồn tại, nợ vay chưa được xóa, quyền thu hồi nợ đối với khách hàng của tổ chức tín dụng không bị phủ quyết (bởi bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền) thì về nguyên tắc, không có cơ sở để xác định thiệt hại (số liệu thiệt hại, bên bị thiệt hại) trong việc cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động cho vay là những quy định về nghiệp vụ, quy trình, thẩm quyền xét duyệt cho vay, sử dụng khoản vay…, không phải là các quy định pháp luật nhằm mục đích xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự. Theo chức năng nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tín dụng ngân hàng, không phải là cơ quan tiến hành tố tụng và không có thẩm quyền điều tra, xác minh thiệt hại của các vụ án có liên quan. 

Tuy nhiên, rất nhiều quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng đều yêu cầu/ trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định về thiệt hại của hoạt động/hành vi cấp tín dụng đối với khách hàng. Bởi thế, về nguyên tắc, trường hợp thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc, Ngân hàng Nhà nước chỉ giám định đối với hành vi cho vay, hồ sơ cho vay trên cơ sở đối chiếu các quy định pháp luật.

Để khắc phục tình trạng trên, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần nghiên cứu các quy định pháp luật về giám định, về tố tụng hình sự theo hướng quy định rõ nguyên tắc xác định thiệt hại, các bên bị thiệt hại trong các vụ án kinh tế. Điều này không chỉ phụ thuộc vào quá trình tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử mà còn cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tư pháp đối với các vụ án kinh tế. 

Đọc thêm