Gỡ vướng trong thanh toán tiền thu được từ tài sản bảo đảm

(PLVN) - Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thời gian qua đã góp phần giải quyết tình trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đảm bảo ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trong công tác THADS đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về thanh toán tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm.


Theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật THADS, khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS. 

Tuy nhiên, Điều 12 Nghị quyết số 42 quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, Nghị quyết số 42 nhằm hướng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi các khoản nợ xấu. Việc xử lý tải sản thi hành án vẫn được thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định của Luật THADS. Tuy nhiên, việc thanh toán tiền thi hành án theo Nghị quyết 42 thì số tiền còn lại từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi trừ chi phí sẽ được ưu tiên thanh toán cho khoản nợ xấu được bảo đảm cho tổ chức tín dụng. Quy định này của Nghị quyết 42 đã thu hẹp các khoản được ưu tiên thanh toán theo quy định của Luật THADS.

Về chuyển nhượng tài sản bảo đảm, tại khoản 2, Điều 15 Nghị quyết số 42 quy định: “Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm”.

Do vậy, hiện nay các vụ việc thi hành án xử lý tài sản bảo đảm theo bản án để thi hành án cho các Ngân hàng (không phải trường hợp xử lý tài sản theo Điều 90 Luật THADS) thì Ngân hàng không đồng ý cho cơ quan THADS trích từ tiền bán tài sản bảo đảm để nộp thuế thu nhập cá nhân và các loại phí (nếu có) cho chủ tài sản cũ. Từ đó dẫn đến việc người mua được tài sản không thể thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng và đăng bộ sang tên đối với quyền sử dụng đất trúng đấu giá. Vì vậy, hiện nay nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúng đấu giá đang khiếu nại gay gắt do không làm được thủ tục sang tên.

Ngoài ra, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 42, các cơ quan THADS địa phương cũng gặp một số nội dung khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan tới khoản tiền hỗ trợ thuê nhà cho người phải thi hành án khi xử lý tài sản là nhà ở duy nhất, khoản tiền thuế thu nhập cá nhân, khoản án phí trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng... Để giải quyết vướng mắc đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Ngành liên quan để tháo gỡ, đến nay cơ bản đã được giải quyết. 

Theo đó, việc thực hiện thanh toán các khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 47 Luật THADS đối với khoản tiền hỗ trợ thuê nhà, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 268/NHNN-PC ngày 10/01/2019 chỉ đạo VAMC và các tổ chức tín dụng xem xét và quyết định việc hỗ trợ thuê nhà trong 1 năm cho người phải thi hành án trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất. Do đó, Chấp hành viên phải tích cực chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng để quyết định việc hỗ trợ này theo hướng dẫn của Tổng cục THADS tại Công văn số 198/TCTHADS-NV.

Đối với các khoản thuế, phí có liên quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 4732/NHNN-PC ngày 21/6/2019 chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu phương án xử lý, chủ động thỏa thuận với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế phí liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, khi thực hiện bán tài sản bảo đảm, Chấp hành viên chủ động yêu cầu cơ quan thuế cung cấp các khoản thuế có liên quan đến việc xử lý tài sản để thông báo cho các tổ chức tín dụng về việc chủ động thỏa thuận với các bên về việc thanh toán các khoản thuế phí này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người mua trúng đấu giá tài sản. 

Đọc thêm