Góc nhìn pháp lý xác định tuổi của Công Phượng

(PLO) - Tiếp theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về căn cứ xác định tuổi của cầu thủ U19 Công Phượng đăng tải trên Báo PLVN, Tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các luật sư về vấn đề này. 
Sau đây là phân tích của Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, TP.Hồ Chí Minh.
Hai căn cứ pháp lý 
căn bản
Muốn biết tuổi thật của Công Phượng là bao nhiêu, cần dựa vào 2 căn cứ pháp lý căn bản để xác định. Căn cứ pháp lý thứ nhất dựa vào Chứng minh nhân dân (CMND). Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 05/1999 của Chính phủ về CMND thì: “CMND quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”. 
Nội dung cơ bản ở đây là họ tên, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, nơi thường trú,… Công Phượng đã có CMND nên việc xác định tuổi (ngày, tháng, năm, sinh), trước hết phải dựa vào CMND vì đây là giấy tờ tùy thân, chứng nhận “nội dung cơ bản” của công dân, trong đó có ngày tháng năm sinh. CMND của Công Phượng được cấp hợp pháp thì đó là căn cứ pháp lý để xác định tuổi, ngày, tháng, năm sinh của em và đó cũng là sự chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Và theo thông tin đã được công bố, ngày sinh của Công Phượng thể hiện trên CMND là 21/01/1995.
Căn cứ thứ hai và là căn cứ có giá trị pháp lý cao nhất để xác định tuổi, ngày tháng năm sinh của một người là giấy khai sinh (GKS) vì đây là giấy tờ hộ tịch gốc. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định158/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì: “GKS là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với GKS của người đó”. 
Giấy tờ hộ tịch gốc hiện hành là căn cứ có giá trị
Như vậy, để xác định tuổi của Công Phượng, ngoài CMND là giấy tờ tùy thân thì cần căn cứ vào giấy tờ hộ tịch gốc là GKS. Rõ ràng GKS gốc (năm 1995) và GKS được cấp lại (năm 2010) đều ghi nhận ngày tháng năm sinh của Công Phượng là 21/01/1995. 
Quan điểm cho rằng GKS gốc (năm 1995) của Công Phượng không ghi thông tin về số, quyển nên không hợp lệ, vô hiệu là hoàn toàn không có cơ sở. Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP: “Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó”. 
GKS gốc của Công Phượng được cấp bởi UBND xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, có chữ ký và con dấu hợp pháp là hoàn toàn đúng thẩm quyền nên GKS này hoàn toàn có giá trị pháp lý. Việc GKS không thể hiện thông tin về số, quyển đăng ký có thể là một sự thiếu sót về hình thức từ phía cán bộ đăng ký chứ không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý và nội dung của GKS này. Cho dù có thiếu sót về hình thức như vậy thì GKS cấp lại năm 2010 đã sửa chữa thiếu sót đó và đây chính là giấy tờ hộ tịch gốc hiện hành của Công Phượng, là căn cứ pháp lý có giá trị nhất để xác định tuổi của Công Phượng.
Nhiều tài liệu, hồ sơ học tập của Công Phượng cũng thể hiện ngày tháng năm sinh là 21/01/1995. Đây là những căn cứ thứ yếu để xác định tuổi của Công Phượng. Tuy có quan điểm nghi vấn về chữ viết trong học bạ tiểu học của Công Phượng, nghi vấn vì sao có hai Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tốt nghiệp tiểu học của Công Phượng (năm 2006 và 2007) nhưng đó không phải là trọng tâm của vấn đề trong việc xác định tuổi của Công Phượng. Bởi vì dù có nghi vấn chữ viết trong học bạ thế nào, em hoàn thành chương trình tiểu học năm nào thì các tài liệu này vẫn thể hiện một cách nhất quán ngày sinh của Công Phượng là 21/01/1995.
Cũng phải khẳng định lại rằng, theo quy định của pháp luật, “GKS là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với GKS của người đó” thì thông tin trên Bản khai nhân khẩu phải phù hợp với GKS, nếu khác biệt thì phải đăng ký lại cho phù hợp với GKS. 
Quan điểm cho rằng “tất cả các giấy tờ khác là vô hiệu”, chỉ có Bản khai nhân khẩu này “được coi là căn cứ xác thực nhất, có thể là duy nhất để chứng minh Công Phượng sinh năm bao nhiêu” là hoàn toàn không có cơ sở, đi ngược lại với quy định của pháp luật. 
Như vậy, dưới góc nhìn pháp lý, đến thời điểm này có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định một sự thật pháp lý là Công Phượng sinh ngày 21/01/1995. 

Đọc thêm