Hà Nội: Đề nghị bổ sung số lượng tổ chức hành nghề công chứng

(PLO) - Hôm qua 30/12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, UBND TP Hà Nội đã sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” trên địa bàn Hà Nội.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại văn phòng công chứng
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại văn phòng công chứng
Vượt 9 văn phòng so với quy hoạch
Báo cáo việc thực hiện Quyết định 2104 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết: Số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP tăng qua các năm. Cụ thể, nếu năm 2007 TP có 9 tổ chức, trong đó có 6 Phòng công chứng và 3 Văn phòng công chứng (VPCC) thì đến năm 2012 đã có 96 tổ chức (10 Phòng công chứng và 86 VPCC), tăng so với năm 2011 là 28 tổ chức và so với năm 2007 là 87 tổ chức.
Tính đến hết ngày 31/8/2015, toàn TP có 104 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng Công chứng và 94 VPCC), phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Việc thành lập các VPCC giai đoạn 2011 - 2015 đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, hiện nay so với Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 thì Hà Nội thành lập vượt 9 VPCC; trong đó 8 VPCC được thành lập tại các quận nội thành: Đống Đa, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng (ở thời điểm trước khi có Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, tức là trước ngày 29/12/2012).
Hiện nay, Hà Nội có 416 công chứng viên đang hành nghề tại 104 tổ chức. Từ năm 2012 đến hết tháng 10/2015, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đã công chứng được hơn 800.000 giao dịch, thu gần 450 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 80 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 người lao động. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước lập Hội Công chứng viên thành phố. 
Bà Xuân Hương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy hoạch của TP như việc sắp xếp lại các tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn vượt Quy hoạch gặp nhiều khó khăn; hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự ổn định, bền vững; có sự cạnh tranh không lành mạnh, trình độ quản lý còn bất cập. 
Hiện tượng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm công chứng vẫn xảy ra; việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND một số xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai...
Để tháo gỡ, UBND TP đề nghị Bộ Tư pháp trình Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Đống Đa và Hai Bà Trưng (đã có trước khi Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt). Do huyện Từ Liêm tách thành 2 quận mới nên bổ sung thêm 3 VPCC vào Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng giai đoạn 2016 - 2020.
Thiết lập mạng lưới công chứng thuận tiện nhất cho dân
Chủ trì buổi sơ kết, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã dành phần lớn thời gian cho đại diện các tổ chức hành nghề công chứng được phát biểu trên tinh thần hết sức thẳng thắn, cởi mở. Bà Nguyễn Thị Thơ, VPCC Đông Anh đề xuất thành phố nên “khoanh vùng” những nơi nào tổ chức hành nghề công chứng đã phát triển thì cho họ được chứng nhận hợp đồng, giao dịch thay vì để UBND cấp xã làm. 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn
Hiện công chứng TP đã có hệ thống tra cứu làm “bộ lọc” những giao dịch an toàn. Nếu để xã chứng mà từ địa bàn ngoài huyện mang đến, công chứng làm cũng rất lo ngại. Chung đề xuất này, đại diện VPCC An Nhất Nam cho rằng, TP đã xây dựng cơ sở dữ liệu để kiểm soát, ngăn chặn các giao dịch không hợp pháp mà còn để xã, phường chứng nhận thì hệ thống sẽ bị phá vỡ, bao công sức xây dựng coi như vô nghĩa. 
Đại diện VPCC Phạm Thu Hằng thì bức xúc: Trước đây Văn phòng mang tên Âu Lạc, hoạt động được 7 năm trước khi có Quy hoạch thì dời đến địa điểm mới nên theo Luật phải đổi tên, vừa tốn kém chi phí vừa “mất luôn” cả thương hiệu. Vấn đề này TP cần xem xét kiến nghị sửa đổi để đỡ gây tổn thất cho các VPCC. Trưởng phòng Công chứng số 4 Đặng Mạnh Tiến phản ánh, nhiều xã, phường không hợp tác với công chứng nên họ hành nghề rất khó khăn. TP cần xem xét tháo gỡ.
Ghi nhận những phản ánh của các tổ chức hành nghề, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Tư pháp cần tham mưu cho thành phố thiết lập mạng lưới công chứng thuận tiện nhất cho người dân, tránh trường hợp chỗ đậm đặc các VPCC, chỗ thì không có; cần phải đánh giá tốc độ phát triển kinh tế, giao dịch trên từng địa bàn để đề ra quy hoạch phù hợp. 
Đối với các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo, vấn đề nào thuộc thẩm quyền UBND TP sẽ xem xét, giải quyết, vấn đề nào thuộc quyền của Bộ sẽ kiến nghị ngay. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; các VPCC cũng phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương. 

Đọc thêm