Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính để định giá

(PLO) -Tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND TP Hà Nội đề nghị sửa đổi quy định về thời gian tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính để định giá dài hơn 48 h nhằm đảm bảo hiệu quả của việc xử lý vi phạm hành chính.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xử phạt hơn 500 ngàn vụ

Theo UBND TP Hà Nội, sau thời gian thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố đã dần đi vào nề nếp, hầu hết các vụ việc vi phạm hành chính đều được phát hiện và xử phạt đảm bảo theo quy định của pháp luật. Các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp, có mức xử phạt cao đều được cơ quan Tư pháp kiểm tra, xem xét trước khi ra quyết định xử phạt. Công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đã được các ngành các cấp quan tâm, ngày càng được tăng cường, cơ quan Tư pháp và tổ chức pháp chế sở, ngành đã thể hiện được vai trò tham mưu trong thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính góp phần quan trọng vào tình hình phát triển kinh tế và giữ vững an ninh chính trị của Thủ đô. 

Thực hiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trong 4 năm số vụ vi phạm hành chính bị phát hiện: 521.061 vụ; Số vụ vi phạm hành chính đã bị xử phạt: 509.269 vụ; Số vụ chuyển xử lý bằng hình thức khác 696 vụ (Truy cứu trách nhiệm hình sự 287 vụ, áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 409 vụ);  Số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính: 522.274 đối tượng (Tổ chức 131.032 đối tượng, cá nhân 391.242 đối tượng); Số tiền phạt thu được: 703.293.166.611 đồng. Các lĩnh vực xảy ra nhiều vi phạm hành chính: giao thông, an ninh - trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xây dựng, đất đai, thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, văn hóa – thể thao – du lịch, an toàn thực phẩm.

Cũng sau thời gian thi hành Luật, Hà Nội đã lập hồ sơ và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: 9.281 đối tượng, trong đó giáo dục tại xã, phường, thị trấn: 5.631 đối tượng; đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc: 831 đối tượng; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 2.819 đối tượng

Theo UBND TP, các hình thức xử phạt và mức phạt của Luật đã đảm bảo tính răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước góp phần giảm số vụ vi phạm hành chính giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt Luật cho phép áp dụng mức phạt cao hơn đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương đã có tác động to lớn đến ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thủ đô. 

Mở rộng thẩm quyền trong trường hợp cần ngăn chặn vi phạm 

Tuy nhiên, các khó khăn, vướng mắc nhiều nhất là từ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Trong đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính không có nội dung quy định xử lý đối với tang vật phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm, nhất là trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đó bị áp dụng hình thức tịch thu. Theo quy định Điều 301 Bộ Luật dân sự 2015 và các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo thì người đang giữ tài sản bảo đảm phải thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm nếu đến hạn. Do vậy, trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính sẽ thực hiện việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hay trả lại cho người nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. 

Bên cạnh đó, thời hạn giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính giữa Luật và văn bản hướng dẫn không thống nhất. Quy định biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo Khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ là không phù hợp. 

Đặc biệt, thời hạn tạm giữ, tang vật phương tiện vi phạm hành chính để định giá quy định tại Khoản 3, Điều 60 là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là 48 giờ). Tuy nhiên, thực tế áp dụng thì quy định về thời gian tối đa như trên là quá ngắn nhất là trong trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá và những trường hợp vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu như: Mỹ phẫm, rượu, thuốc lá, một số sản phẩm chưa có mặt trên thị trường. Do đó, cần sửa đổi theo hướng kéo dài hơn về thời gian.

UBND TP cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng: Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính, để xác minh tình tiết vi phạm hoặc để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không cần xem xét giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Sau khi xác định được thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong vụ việc cụ thể đó thì cần chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cùng hồ sơ vụ việc đến cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết tiếp theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm