Hà Nội: Tập trung thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

(PLO) - Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế được đưa ra truy tố, xét xử và tổ chức thi hành án (THA), đặc biệt là các “đại án”. Do đó, công tác THA thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án này trên địa bàn còn gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn, các khoản phải thi hành, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt như án phí, tiền phạt, truy nộp, bồi thường cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là rất lớn, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khiến cơ quan THADS gặp không ít khó khăn. Có vụ việc cơ quan THADS mới chỉ thi hành được một khoản chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng giá trị khoản phải thi hành, các khoản còn lại đều chưa có điều kiện thi hành do nhiều nguyên nhân như: đương sự chưa tìm được tài sản để THA, đương sự chết không để lại di sản thừa kế…

Một nguyên nhân khác khiến công tác THA gặp khó khăn là do số vụ việc và giá trị phải thi hành các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế những năm gần đây tăng đột biến, trong khi đó đây đều là các vụ việc hết sức phức tạp và nhạy cảm. Cùng với đó, đối tượng phạm tội hầu hết là có trình độ, có học thức và ý thức phạm tội, che giấu hành vi phạm tội trong hời gian dài, tẩu tán tài sản tinh vi, có quan hệ phức tạp dẫn đến việc THADS chưa đạt hiệu quả cao.

Việc xác minh điều kiện THA, truy tìm, xử lý tài sản của người phải THA trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hết sức khó khăn. Việc xác minh tài sản và xử lý tài sản như nhà, đất, cổ phiếu đã phong tỏa từ giai đoạn tố tụng hoặc trong giai đoạn THA cũng gặp không ít khó khăn vì chưa xác định rõ được là tài sản chung hay tài sản riêng; đồng thời pháp luật về THA quy định chưa rõ về trình tự, thủ tục xử lý, bán tài sản là cổ phiếu để THA. Ngoài ra, có nhiều trường hợp tổ chức cưỡng chế THA thực hiện tại địa bàn Hà Nội phải tạm dừng, bị kéo dài do sự chống đối quyết liệt từ đương sự.

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác THA nói chung và công tác THA thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng lớn nói riêng, các cơ quan THADS TP Hà Nội cần tiếp tục tranh thủ và bám sát sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của các cấp chính quyền và quần chúng nhân dân. Đồng thời, Thủ trưởng các cơ quan THADS cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo đó, cần bám sát và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 5/12/2017 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, hành chính; thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 5/12/2017 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU. Ban Chỉ đạo giải quyết các việc THA thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Cục THADS TP Hà Nội cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, từ đó góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác.

Thời gian tới, hệ thống cơ quan THADS TP Hà Nội sẽ phải tiếp tục tổ chức thi hành các bản án của các vụ “đại án” đã có hiệu lực pháp luật, đặc biệt là các phần THA theo yêu cầu mà trong thời gian vừa qua người được THA chưa làm đơn yêu cầu THA, với giá trị phải thi hành đặc biệt lớn. Do đó, ngay từ giai đoạn các vụ án đang xét xử và ngay trong những tháng đầu năm công tác 2019, Lãnh đạo Cục THADS TP Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tập trung chỉ đạo việc thụ lý, ra quyết định THA kịp thời, giao cho chấp hành viên có kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp để tổ chức thi hành hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức THA, chấp hành viên cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với từng vụ việc; cập nhập thường xuyên và báo cáo tình hình, kết quả thi hành của từng vụ việc để Lãnh đạo Cục, Chi cục nắm bắt, kịp thời cho ý kiến nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra phương án tổ chức thi hành phù hợp, hiệu quả.

Năm 2018, các cơ quan THADS TP Hà Nội đã thụ lý 123 vụ việc THA về tham nhũng, kinh tế, tương ứng hơn 2.700 tỷ đồng; ủy thác 5 việc tương ứng hơn 530 tỷ đồng; phải thi hành 118 việc tương ứng gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó có điều kiện thi hành là 110 việc, tương ứng hơn 1.700 tỷ đồng; chưa có điều kiện là 7 việc, tương ứng 90 tỷ đồng; hoãn 1 việc tương ứng gần 400 tỷ đồng. Kết quả đã giải quyết xong 75 việc, tương ứng gần 400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,18% về việc, 21,41% về tiền.

Đọc thêm