Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện thể chế theo dõi thi hành pháp luật

(PLO) - Công tác theo dõi thi hành pháp luật (THPL) đã được UBND TP quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Song, để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về theo dõi THPL, đặc biệt là kịp thời xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. 
Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư pháp quý III
Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư pháp quý III

Thời gian qua, việc phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện thể chế và các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi THPL trên địa bàn TP về cơ bản đã được đáp ứng và đi vào nền nếp. UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về theo dõi THPL và các hình thức theo dõi THPL trên cơ sở bám sát các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác này.

Để triển khai hiệu quả hoạt động theo dõi THPL theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương, Sở Tư pháp đã bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Chương trình, Kế hoạch về phát triển kinh tế, xã hội của TP, chủ động tham mưu UBND TP trong công tác này.

Theo đó, Sở Tư pháp tập trung tham mưu UBND TP trong việc rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do HĐND, UBND TP ban hành liên quan đến lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; ban hành hệ dữ liệu VBQPPL của UBND TP có nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc 3 lĩnh vực y tế, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội.

Ngoài ra, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát tình hình THPL đối với cán bộ, công chức, lãnh đạo và người lao động tại các doanh nghiệp, người dân về tình hình THPL về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công và vùng thường xuyên bị thiên tai, điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác theo dõi THPL trên địa bàn TP còn những tồn tại nhất định. Việc tổ chức triển khai Nghị định 59/2012/NĐ-CP ở một số nơi còn đơn điệu hoặc lồng ghép vào hoạt động nghiệp vụ chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả của công tác theo dõi THPL. Việc xử lý kết quả theo dõi THPL mới chủ yếu kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả mà chưa có chế tài xử lý, làm giảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm tra tình hình THPL.

Việc huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình THPL trên địa bàn TP còn hạn chế, hình thức và nội dung tham gia còn chưa đa dạng, chủ yếu lồng ghép vào hoạt động nghiệp vụ khác.

Mặt khác, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP cũng bộc lộ một số vướng mắc, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác theo dõi THPL. Cụ thể, Nghị định chưa có tiêu chí, định lượng để xác định mức độ tuân thủ pháp luật, tính đầy đủ, hiệu quả của hoạt động tập huấn, mức độ đáp ứng nhân lực, kinh phí trong hoạt động theo dõi tình hình THPL.

Một số nội dung của Nghị định chưa phản ánh kịp thời thực tiễn theo dõi tình hình THPL như chưa có quy định về việc thu thập thông tin từ hoạt động điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình THPL mặc dù thực tế thông qua các hoạt động này sẽ cung cấp một lượng lớn thông tin về tình hình THPL. 

Ngoài ra, Nghị định cũng chưa bao quát hết các hình thức xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL như: sau khi rà soát, kiểm tra phát hiện các văn bản trái pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý theo các hình thức phù hợp như đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đính chính văn bản…

Tình hình bảo đảm điều kiện cho công tác theo dõi THPL còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực thực hiện công tác này còn thiếu, kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện công tác này còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi THPL trong giai đoạn tới, cần sớm hoàn thiện thể chế về theo dõi THPL, xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP theo hướng quy định rõ ràng trách nhiệm tổ chức theo dõi THPL, nội dung cách thức theo dõi THPL, tiêu chí đánh giá tình hình THPL.

Trong đó cần xem xét thời điểm có hiệu lực của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đảm bảo đủ thời gian thi hành, tổng kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở ban hành Luật về tổ chức THPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 về phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018 – 2022.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác tập huấn chuyên sâu về theo dõi THPL theo chuyên đề, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý thông tin phát sinh trong quá trình theo dõi tình hình THPL. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm ứng dụng trong quá trình thu thập thông tin, lưu trữ dữ liệu về tình hình THPL nhằm đánh giá kịp thời, thường xuyên và khách quan. 

Đọc thêm