Hạn chế nguy cơ bồi thường trong hoạt động thi hành án

Để hạn chế nguy cơ phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước theo quy định của Luật năm 2017, Vụ Nghiệp vụ 3 (Tổng cục THADS) đã đề ra nhiều yêu cầu đối với hệ thống THADS.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trước thời điểm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 1/7/2018), số vụ việc thi hành án phải bồi thường chưa nhiều. Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2017 thì nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) được cảnh báo sẽ cao hơn so với Luật TNBTCNN năm 2009, đòi hỏi các cơ quan THADS phải thận trọng giải quyết để hạn chế thấp nhất nguy cơ này.

Nguy cơ phải bồi thường sẽ cao hơn

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn khoảng 9 năm thực hiện Luật TNBTCNN năm 2009 (tính từ ngày 1/1/2010), toàn hệ thống cơ quan THADS phát sinh 74 vụ việc liên quan đến TNBTCNN  (46 vụ việc bồi thường nhà nước, 28 vụ việc bảo đảm tài chính).

Số vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước theo từng năm ngày càng tăng lên cả về số lượng và mức độ phức tạp và tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam. Ngoài các vụ việc trên, còn hơn 20 vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước do đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi sai phạm của người thi hành công vụ (nhưng chưa có quyết định giải quyết cuối cùng), địa bàn cũng tập trung ở các tỉnh, thành phố phía Nam, thời gian chủ yếu vào năm 2016, 2017. Trong đó, có những vụ việc phức tạp, phải bồi thường với số tiền tương đối lớn.

Trong bối cảnh này, Luật TNBTCNN năm 2017 lại mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước và thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường được kéo dài hơn so với Luật cũ nên nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước là dễ hiểu.

Cụ thể, so với Điều 38 Luật năm 2009 về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động THADS, Điều 21 Luật năm 2017 đã bỏ quy định về “lỗi cố ý” đối với trường hợp không ra quyết định về thi hành án hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án. Thay vào đó, Luật năm 2017 tập trung nhấn mạnh tính trái pháp luật trong hành vi thuộc phạm vi TNBTCNN.

Vì vậy, trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu thủ trưởng, cán bộ, chấp hành viên cơ quan THADS có các hành vi ra hoặc không ra các quyết định về thi hành án trái pháp luật; tổ chức hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án trái pháp luật mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức đều thuộc phạm vi TNBTCNN theo Điều 21 Luật năm 2017.

Ngoài ra, Luật năm 2017 đã kéo dài thời hiệu yêu cầu bồi thường. Theo đó, thời hiệu yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực THADS là 3 năm (trước là 2 năm) kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (khoản 1 Điều 6). Không những thế, Luật năm 2017 đã bổ sung các quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường và nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu.

Nhiều yêu cầu được đặt ra 

Để hạn chế nguy cơ phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước theo quy định của Luật năm 2017, Vụ Nghiệp vụ 3 (Tổng cục THADS) đã đề ra nhiều yêu cầu đối với hệ thống THADS.

Ví dụ, đối với chấp hành viên, cần trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật có liên quan trong việc ban hành các quyết định và tổ chức thi hành án, đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ để bảo đảm việc ra hoặc không ra các quyết định thi hành án, tổ chức hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án luôn đúng quy định pháp luật; quá trình tổ chức thi hành án, phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Còn đối với cơ quan THADS thì cần quan tâm tới công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức có năng lực, đáp ứng yêu cầu công vụ, có biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hoạt động thi hành án; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức có hành vi sai phạm, đối với các hành vi sai phạm có dấu hiệu tội phạm đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm.

Đồng thời, thường xuyên quán triệt, chỉ đạo chấp hành viên thực hiện đúng trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm quá trình tổ chức thi hành án tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật có liên quan, hạn chế thấp nhất những vi phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, qua đó xử lý sớm các vụ việc có nguy cơ phát sinh yêu cầu bồi thường của Nhà nước; chủ động khắc phục hậu quả khi có thiệt hại xảy ra; phải làm tốt công tác giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan THADS cũng như chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng tham gia tố tụng để giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án.

Đọc thêm