Hạn chế rủi ro cho chấp hành viên

(PLO) - Cơ chế pháp lý để chấp hành viên thuận lợi trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, hạn chế tính rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án cho chấp hành viên... là những quy định mới đáng lưu ý của Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi liên quan đến chấp hành viên.
Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định để hạn chế tính rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án cho chấp hành viên. Trong ảnh: Một vụ cưỡng chế thi hành án
Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định để hạn chế tính rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án cho chấp hành viên. Trong ảnh: Một vụ cưỡng chế thi hành án
Rõ hơn trách nhiệm các cơ quan
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác minh của chấp hành viên, Dự thảo Luật đã quy định việc xác minh có thể tiến hành trực tiếp hoặc bằng văn bản; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là cơ quan nắm giữ thông tin, quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng... 
Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin hợp pháp tại các cơ quan, tổ chức này nhằm phục vụ cho công tác thi hành án dân sự, nhất là các tổ chức tín dụng, vì Khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”. 
Hạn chế rủi ro cho chấp hành viên
Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định để hạn chế rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án (THA) cho chấp hành viên, cụ thể như về xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp. 
Luật Thi hành án dân sự 2008 đã quy định khi cưỡng chế đối với tài sản của người phải THA mà có người khác tranh chấp thì chấp hành viên vẫn tiếp tục việc cưỡng chế (nhằm tránh tẩu tán tài sản) nhưng có trách nhiệm thông báo cho đương sự, người có tranh chấp khởi kiện yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết; nếu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì cho phép chấp hành viên được xử lý tài sản để THA nhằm tránh tình trạng người phải thi hành án câu kết với những người liên quan không thực hiện quyền khởi kiện dẫn đến việc thi hành án bế tắc, kéo dài, phát sinh khiếu nại, tố cáo gay gắt của người được THA. 
Tuy nhiên, cơ chế này đã không đi đến cùng để bảo vệ chấp hành viên dẫn đến việc chính chấp hành viên bị người phải thi hành án, người liên quan lợi dụng khiếu nại, tố cáo làm phát sinh tâm lý e ngại phải chịu kỷ luật, phải bồi thường do việc xử lý tài sản. 
Do đó, khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Luật đã bổ sung theo hướng: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án; trong trường hợp này, chấp hành viên không phải chịu trách nhiệm về việc đưa tài sản ra xử lý để thi hành án. 
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cách thức xử lý trong trường hợp đương sự có đơn khởi kiện như sau: đối với trường hợp đương sự đã có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án, cơ quan có thẩm quyền nhưng không được thụ lý hoặc xem xét giải quyết thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 74a của luật này. 
Trường hợp một trong các bên có đơn khởi kiện ra tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của toà án, cơ quan có thẩm quyền. Với quy định theo hướng giao trách nhiệm cho tòa án trong việc quyết định quyền sở hữu, sử dụng tài sản sẽ giúp gắn kết chặt chẽ giai đoạn xét xử và thi hành án, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho chấp hành viên tổ chức thi hành án đúng pháp luật. 
Hai là, tại Điều 165 về xử lý vi phạm, những vi phạm của chấp hành viên bị xử lý được quy định chặt chẽ và hợp lý hơn. Theo đó, việc không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật chỉ bị xử lý với lỗi cố ý và hình thức xử lý (kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự) phải tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Mặt khác, Dự thảo Luật cũng đã sửa Khoản 4 Điều 165 theo hướng bỏ nội dung “vi phạm quy chế đạo đức của chấp hành viên” vì đây không phải là quy phạm pháp luật để áp dụng trong việc xử lý vi phạm.

Đọc thêm