Hạn chế tình trạng 'sân sau' trong hoạt động đấu giá

(PLO) -Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Trong thời gian đầu triển khai Luật, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tích cực chủ động và quán triệt thực hiện nội dung cơ bản của Luật và đạt được nhiều kết quả khích lệ.


Hạn chế tình trạng 'sân sau' trong hoạt động đấu giá

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện các quy định của Luật, các tổ chức ĐGTS được chuyển đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của mình trước khách hàng, trước Nhà nước. Hiện trên phạm vi cả nước có 466 tổ chức ĐGTS (trong đó có 62 trung tâm dịch vụ ĐGTS, riêng tỉnh Trà Vinh đã giải thể Trung tâm vào năm 2015) và 404 doanh nghiệp ĐGTS. Theo thống kê của các Sở Tư pháp, trong thời gian đầu triển khai Luật, đã có 15 doanh  nghiệp ĐGTS thành lập mới, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM; 6 doanh nghiệp ĐGTS đã thực hiện xong chuyển đổi đăng ký hoạt động theo Luật ĐGTS.

Cả nước cũng có 1.160 đấu giá viên đã đăng ký hành nghề và Sở Tư pháp đã cấp hơn 300 thẻ đấu giá viên theo Luật mới, đang tiếp tục rà soát cấp thẻ đấu giá viên trong giai đoạn chuyển đổi. Các đấu giá viên được nâng cao trách nhiệm, năng lực hành nghề thông qua các quy định về các hành vi bị cấm đối với đấu giá viên khi hành nghề, có chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của đấu giá viên trong hoạt động hành nghề. Luật đã quy định một số hành vi vi phạm của đấu giá viên và một số hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá lần đầu tiên đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, thể hiện tính minh bạch, công khai, nghiêm khắc của pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục đấu giá đã được quy định chặt chẽ, khách quan, minh bạch. Hình thức, phương thức đấu giá đa dạng được các tổ chức ĐGTS, đấu giá viên thực hiện nghiêm chỉnh. Lần đầu tiên trong Luật có quy định hình thức đấu giá trực tuyến. Một số doanh nghiệp đã đi tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để thực hiện đấu giá trực tuyến, hạn chế hành vi tiêu cực nảy sinh trong hoạt động đấu giá.

Qua 6 tháng thực hiện Luật với nhiều quy định mới so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trước đó, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến đánh giá Luật đã bước đầu đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng hướng của Luật trong việc phát triển hoạt động tư pháp, nghề bổ trợ tư pháp. Đặc biệt, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về ĐGTS trong quá trình tổ chức ĐGTS đã được phát huy, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động đấu giá. Nhờ vậy, đã góp phần lựa chọn các tổ chức ĐGTS có uy tín, kinh nghiệm, năng lực, khách quan trong việc tổ chức đấu giá; hạn chế tình trạng doanh nghiệp “sân sau” trong hoạt động ĐGTS.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Luật còn hạn chế, khó khăn. Cụ thể, một bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài sản bán đấu giá, nhất là cơ quan, tổ chức đại diện bán tài sản của Nhà nước còn chưa quan tâm đúng mức đến quy định mới của Luật. Một số địa phương chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quy định mới của Luật, còn lúng túng trong triển khai. Việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương chưa kịp thời…

Nói về thực hiện quy định chuyển đổi Trung tâm thành DN tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm chia sẻ: Trung tâm là một đơn vị tự cân đối 100% về kinh phí hoạt động và đang hoạt động có hiệu quả, trong khi không ít DN trên địa bàn hoạt động chưa thật ổn định và cần thời gian để nâng cao chất lượng. Do vậy, theo ông Tâm, UBND TP chưa đưa vào kế hoạch chuyển Trung tâm thành DN vào năm 2018. Cho rằng Luật mới có hiệu lực, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như bán ĐGTS liên quan đến THADS nên ông Tâm mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm hướng dẫn.

Về phần cơ quan quản lý, bà Yến đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, Sở Tư pháp các tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ như tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn tới các cơ quan, tổ chức, đặc biệt hướng vào đối tượng là người quản lý tài sản của Nhà nước và cơ quan thi hành án của địa phương; lựa chọn tổ chức ĐGTS đúng đắn, công khai  minh bạch, ngăn ngừa thất thoát tài sản qua đấu giá. Địa phương cũng cần rà soát lại việc ban hành quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất đã ban hành trước đây, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ hoặc thay thế văn bản mới bảo đảm đúng tinh thần của Luật; đồng thời tiếp tục rà soát, cập nhật công bố danh sách đấu giá viên, tổ chức ĐGTS tại địa phương và công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp để làm cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức ĐGTS phù hợp…

Đọc thêm