Hạn chế tình trạng tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành

(PLVN) -Việc bán đấu giá tài sản không thành hiện nay vẫn còn diễn ra khá phổ biến, làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng án chuyển kỳ sau tăng cao.

Khắc phục tâm lý e ngại của người mua

Một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến việc bán đấu giá tài sản không thành là tâm lý e ngại của người dân khi mua tài sản thi hành án. Thực tế thời gian qua, còn phổ biến tình trạng mua nhà trúng đấu giá nhưng không được nhận nhà hoặc kéo dài gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người mua tài sản, dẫn đến tâm lý e ngại khi đăng ký mua tài sản là bất động sản của người phải thi hành án mặc dù trên thực tế người dân vẫn có nhu cầu đối với loại tài sản này.

Do vậy, nhằm khắc phục bất cập trên, Chấp hành viên khi tác nghiệp phải hết sức chính xác, thận trọng nhằm hạn chế thấp nhất các sai sót phát sinh, đảm bảo việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đúng pháp luật và giao tài sản đúng thời hạn theo hợp đồng bán tài sản để thi hành án. Từ đó tạo niềm tin cho người có nhu cầu mua tài sản thực hiện việc đăng ký mua tài sản bán đấu giá để thi hành án.

Khó khăn, vướng mắc khác mà cơ quan THADS phải đối mặt trong công tác bán đấu giá là tài sản là bất động sản của người phải thi hành án đang cho người khác thuê để sản xuất, kinh doanh nên mặc dù đã kê biên, thẩm định giá nhưng vẫn phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra Tòa án và khiếu nại, tố cáo. Không ít trường hợp có thời gian bán tài sản kéo dài, số lượng tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành, đặc biệt trong trường hợp các tài sản mà người phải thi hành án đã thế chấp cho người thứ ba sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật.

Để tháo gỡ vấn đề này, Chấp hành viên cần xem xét nếu tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì vẫn thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản đảm bảo phù hợp với quy định của khoản 3 Điều 71 Luật THADS. Để việc thi hành án theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, cơ quan THADS cần thông báo theo đúng quy định cho đương sự về quyền được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Hạn chế vi phạm trong quá trình bán đấu giá

Sự bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật cũng là rào cản tạo nên những tồn tại, hạn chế trong công tác bán đấu giá tài sản thi hành án. Ví dụ, Điều 103 Luật THADS đã bổ sung quy định bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá để thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy nhưng thực tiễn áp dụng đối với điều luật này còn nhiều vướng mắc do mới chỉ nêu được nguyên tắc còn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm  của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền đó. 

Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên thì những vi phạm về trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bán đấu giá tài sản. Theo đó, vẫn còn các hồ sơ không thể hiện việc thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016; vi phạm thời hạn ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản theo Điều 101 Luật THADS; vi phạm thời hạn ra quyết định giảm giá theo quy định trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành tại Điều 104 Luật THADS. Có vụ việc bán đấu giá tài sản không có người đăng ký mua, Chấp hành viên không thực hiện việc thanh lý Hợp đồng bán đấu giá tài sản mà đã ký Hợp đồng với tổ chức bán đấu giá tài sản khác…

Để hạn chế các thiếu sót, các cơ quan THADS cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh trong hoạt động thi hành án nói chung và công tác bán đấu giá tài sản nói riêng. Trong quá trình kiểm tra, đặc biệt chú trọng các vụ việc bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành và các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trong quá trình ký kết, thực hiện việc bán đấu giá tài sản.

Đối với việc đã bán đấu giá thành vi phạm thời hạn giao tài sản cho người mua, Chấp hành viên cần tập trung rà soát, lập danh sách, phân loại chính xác nguyên nhân chậm giao tài sản; xây dựng kế hoạch để xử lý dứt điểm các vụ việc đó. Thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của đương sự liên quan đến hoạt động bán đấu giá và quá trình tổ chức thi hành án, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; khẩn trương tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật THADS và Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. 

Đọc thêm