Hệ thống cơ quan tư pháp mạnh mới là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư

(PLO) - “Về lâu dài, việc ổn định chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh, có đủ thẩm quyền, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu với những cải cách tối đa về thời hạn và thủ tục tố tụng mới là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư”.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho ý kiến tại phiên họp.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã nêu thực tiễn ở một số mô hình đặc khu thành công trên thế giới trong phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại QH sáng 23/5.

Còn khoảng cách lớn giữa hành pháp và tư pháp 

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, quy định tăng cơ bản thẩm quyền cho tòa đặc khu trong các vụ án dân sự và tòa án đặc khu có thẩm quyền xét xử các tội phạm đến 15 năm tù trong các vụ án hình sự được nêu trong dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của tòa án cấp huyện hiện nay. Quy định này, theo ĐB Thủy, dẫn đến thực tế là với vụ án dân sự, tòa án đặc khu có quyền giải quyết loại việc rất phức tạp là các vụ án liên quan đến bắt giữ tàu bay quốc tế nhưng với các vụ án hành chính lại không có quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND đồng cấp hành chính với mình.

Theo ĐB này, nếu lấy lý do việc giao tòa án đặc khu thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện với UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư khách quan thì sẽ không giải thích được việc pháp luật hiện hành đang giao cho 63 TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện đối với quyết định của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lập luận này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng tại văn kiện Đại hội 12 và Nghị quyết Trung ương 11 là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo sự tăng trưởng và thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy các cơ quan tư pháp.

Vẫn theo ĐB Thủy, quy định như Dự thảo Luật cũng chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho người dân và nhà đầu tư vì cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, như người dân ở Phú Quốc muốn đến Kiên Giang phải đi 120km đường biển. “Theo nguyên tắc tố tụng, nếu bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải do toà án cấp cao giải quyết, trong khi cả nước chỉ có 3 tòa cấp cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, khi đó rất vất vả cho người dân, nhà đầu tư tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, ĐB Thủy phân tích.

ĐB Thủy cho rằng so sánh mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp trong Dự thảo Luật cho thấy còn khoảng cách rất lớn. “Nếu UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên, cụ thể có 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 thẩm quyền ở Bộ và 8 thẩm quyền của Thủ tướng. Trong khi đó cơ quan tư pháp đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình. Điều này là chưa phù hợp nguyên tắc không dồn án cho cấp trên. Nhưng quy định như dự thảo thì các vụ án hành chính dồn lên cấp trên và thậm chí còn lên tận tòa án cấp cao giải quyết”, ĐB Thủy nhấn mạnh. 

Từ những phân tích trên, ĐB Thủy đề nghị QH giao cho các cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp.

Không thận trọng sẽ trở thành nơi di dân

Tại phiên họp, ĐB Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) đề nghị cân nhắc thêm về việc quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt, “vì theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người”. Theo ĐB Hà, vấn đề quyền sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nói riêng sẽ còn trở nên nhạy cảm hơn nữa trong trường hợp cụ thể của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. 

 Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cũng đề nghị cần hết sức thận trọng. “Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa không? Đặc khu chúng ta đừng bỏ qua hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất, chúng ta đang thử nghiệm, thử nghiệm có thể có thành công và thất bại, không thể phiêu lưu được. Yếu tố thứ hai là về địa chính trị, đặc biệt là khu Vân Đồn. Những nhà đầu tư công nghệ cao ở thời đại 4.0 này họ không cần đến thời gian, chỉ có các nhà đầu tư bất động sản hoặc đầu cơ bất động sản thôi. Tôi rất tán đồng có điều khoản này nhưng hết sức thận trọng, nếu không nó sẽ trở thành nơi di dân”, ĐB Quốc nói.

Nêu thực tế đang diễn ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta dành ra nhiều km2 đất liền và hàng chục ngàn km2 vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng. Theo tài liệu của các đề án sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước cùng những ưu đãi khác. Toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta, sự di dời hay ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn dân ở ba khu vực trên đều phục vụ cho các nhà đầu tư của ba đặc khu này. 

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nhất trí với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu nhưng lưu ý cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch UBND, giao cho UBND đặc khu ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch, một số ban ngành chuyên môn. Bởi, theo ĐB Phương, trong dự thảo có quá nhiều nội dung Chủ tịch Ủy ban đặc khu ký, cấp, quyết định như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại đặc khu; cấp, đổi giấy phép kinh doanh… “Chủ tịch UBND không thể kiểm soát mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch UBND cũng ký thì không có thời gian để lo việc lớn. Theo như dự thảo thì vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm trách nhiệm. 100 việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì đã không còn gì nữa rồi”, ông Phương nói. 

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) lại cho rằng với tinh thần thử nghiệm, nổi trội và đột phá, chắc chắn Chính phủ sẽ phải tìm những người rất có kinh nghiệm và có trình độ vào những chức vụ này. “Nếu những việc lớn mà không quyết được thì lại quay về như cũ, như mô hình mà chúng ta đang áp dụng ở các nơi khác, không có gì đột phá”, ĐB Thân phân tích. 

Đọc thêm