Hiệu quả từ các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương

(PLVN) -Bên cạnh các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) quen thuộc, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, qua đó “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan nhằm giúp người dân thuận tiện tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống.
Hiệu quả từ các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã luôn chú trọng đổi mới công tác PBGDPL nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thành phố và nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL được đẩy mạnh. Điển hình như, từ cuối năm 2014, Thành phố đã xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL với nhiều chuyên mục, thông tin về các lĩnh vực như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai... Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã xây dựng chuyên mục “Sống và làm việc theo pháp luật”. Thành phố còn xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền PBGDPL như Hà Nội smartcity, Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus; thực hiện tuyên truyền trên các thiết bị như màn hình điện tử, cầu thang pháp luật theo hình thức video clip, inforghapic...

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt giải Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” năm 2020 do TP Hà Nội tổ chức.
 Thứ trưởng Phan Chí Hiếu trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt giải Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” năm 2020 do TP Hà Nội tổ chức.

Thành phố còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng như thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tham gia. Đặc biệt, năm 2020, thành phố tổ chức thi Báo cáo viên pháp luật giỏi, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi bằng hình thức video, nhiều sản phẩm video sau đó đã trở thành sản phẩm truyền thông rộng rãi, có giá trị sử dụng lâu dài mở ra hướng mới trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

Ngoài ra, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Thành phố đã triển khai nhiều mô hình mới trong tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch như tuyên truyền xe lưu động, loa kéo, trên internet, mạng xã hội, tin nhắn điện tử, lập fanpage... Qua đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. 

 

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, UBND Thành phố đã ban hành “Đề án tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2018”. Sau 5 năm triển khai, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả, thiết thực, gần gũi, một trong số đó là việc xây dựng mô hình “Sách nói pháp luật”.

Theo đó, mô hình Sách nói pháp luật online được thí điểm từ cuối năm 2016. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp và Thư viện sách nói Hướng Dương tổ chức khảo sát hạ tầng; xác định nội dung, lĩnh vực pháp luật thiết thực, gần gũi, đặc biệt là các quy định liên quan người khuyết tật, người mù, nhóm yếu thế trong xã hội và các đối tượng được hỗ trợ chính sách khác để xây dựng thành Bộ sách nói pháp luật. 

Sau thời gian chuẩn bị và triển khai, ngày 18/4/2017, Sở Tư pháp tổ chức Lễ ra mắt Sách nói pháp luật, tặng đĩa CD đầu tiên của Bộ sách nói pháp luật cho Hội Người Mù TP.HCM. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập và đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật trên website (sachnoionline.com), góp phần tuyên truyền 35 Luật, pháp lệnh và phát hành 2.700 đĩa CD đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các Trường đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Ngoài ra, một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các mô hình PBGDPL cho người khuyết tật thuộc phạm vi quản lý như: mô hình chữ nổi của Quận 3, chương trình MP3 của quận Tân Phú.... Thông qua đó góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người khuyết tật, giúp họ chủ động, tự tin, vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, trong đó có việc xây dựng mô hình Sách nói pháp luật để có thể đáp ứng được hết nhu cầu tiếp cận pháp luật của đối tượng đặc thù.

Bảo đảm nguồn lực cho công tác PBGDPL

Thời gian qua, một số địa phương đã quan tâm, chủ động tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để giải quyết các vấn đề của địa phương, trong đó có bảo đảm nguồn lực cho công tác PBGDPL. Điển hình như tại Vĩnh Phúc, từ năm 2010, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 3 Nghị quyết về công tác này, trong đó quy định rõ kinh phí tỉnh bố trí để triển khai các hoạt động PBGDPL. Giai đoạn 2010 - 2015 kinh phí cấp cho công tác PBGDPL hàng năm là 7.850.000.000 đồng; giai đoạn 2016 - 2020 kinh phí cấp cho công tác PBGDPL mỗi năm ước tính là 9.700.000.000 đồng. 

Còn tại Quảng Nam, một trong những giải pháp đột phá nổi bật nhất chính là chủ trương hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở theo mô hình “Cấp tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả” được Sở Tư pháp trình UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay. Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí bình quân khoảng 1.500 triệu đồng hỗ trợ cho cấp xã; các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động PBGDPL có hiệu quả tại cơ sở.

Có thể nói việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn như trên là một bước đi có tính đột phá đối với công tác PBGDPL ở tỉnh Quảng Nam. Mô hình này trước hết giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác PBGDPL, đồng thời khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung. Song, điều quan trọng nhất của mô hình này là đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của dân cư ở từng vùng miền. Nhận thấy tính hiệu quả trong thực tiễn, tỉnh đã ghi nhận và thống nhất chủ trương tiếp tục duy trì, phát huy tính hiệu quả của mô hình này trong thời gian tới.

 

Còn tại Lào Cai, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về mối liên hệ mật thiết giữa công tác tuyên truyền và vận động tại cơ sở, từ năm 2012, Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện “Đề án thí điểm thực hiện mô hình Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” tại 35 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện và sơ kết, tổng kết giai đoạn thí điểm (2012-2016), ngày 26/10/2016,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU quy định tạm thời về công tác tuyên vận. Một trong các nội dung chính của công tác này là phối hợp thực hiện PBGDPL thông qua mô hình công tác tuyên vận, trong đó Sở Tư pháp, giữ vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu nội dung, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Từ năm 2012 đến tháng 11/2020, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong khối tuyên truyền của tỉnh, nhất là Sở Tư pháp tổ chức biên soạn, cung cấp trên 70 chuyên đề để phổ biến đến cán bộ, đảng viên tại hơn 12.000 hội nghị tuyên vận xã, phường, thị trấn và các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của 1.503 tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân hằng tháng. Biên tập, xuất bản và tái bản 6.300 cuốn “Sổ tay công tác tuyên vận” trong đó có gần 20 chuyên đề liên quan đến PBGDPL.

Việc triển khai PBGDPL với mô hình tuyên vận tại tỉnh đã từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật các tầng lớp Nhân dân; góp phần răn đe, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Thông qua mô hình tuyên vận, việc bố trí nguồn lực đáp ứng yêu cầu PBGDPL được bảo đảm hằng năm; nâng cao vai trò, trách nhiệm tham gia của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở trong PBGDPL.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác tuyên vận, việc thực hiện PBGDPL được tổng hợp, đánh giá, phân xếp loại hằng tháng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và sử dụng kết quả này là một trong những căn cứ để đánh giá, phân xếp loại đảng bộ và tổ chức cơ sở đảng các cấp. Đây vừa là yêu cầu quan trọng vừa là động lực để các cấp, các ngành thi đua, thực hiện nhiệm vụ được phân công bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, chất lượng.   

Đọc thêm