Hiệu quả từ cách tiếp cận mới trong phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLO) -Điểm nhấn trong năm 2017 là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có những cách tiếp cận mới trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là tổ chức thành công nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với nhiều hoạt động phong phú. Nhờ đó, đưa công tác này phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Hiệu quả từ cách tiếp cận mới trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Đa dạng hóa hình thức PBGDPL trong nhà trường

Việc PBGDPL trong nhà trường, chủ trương xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, Internet trong công tác PBGDPL được chú trọng. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tập đoàn giáo dục Egroup tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT năm 2017 tại 17 tỉnh, thành phố, thu hút gần 200.000 học sinh tham gia. Nội dung thi xoay quanh kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT có mở rộng, cập nhật phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi của học sinh THPT.

Tại lễ phát động cuộc thi ở Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Trung ương nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc thi khi góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL trong nhà trường. Cuộc thi tạo sân chơi lành mạnh, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật cho học sinh, góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và lệch chuẩn xã hội trong độ tuổi vị thành niên.

Sau 2 tháng phát động, TP Hà Nội đã có 64.259 học sinh đăng ký dự thi, tham gia 141.487 lượt thi, đứng đầu cả nước về số lượng học sinh tham gia và số lượt dự thi với 250 trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên. Một số trường có số học sinh tham gia dự thi lớn và nhiều học sinh đạt kết quả cao.

Tại Bắc Ninh, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT năm 2017 được đánh giá không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của các em học sinh mà còn giúp các em có thêm kiến thức pháp luật và xử lý các tình huống trong thực tế. Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định cuộc thi chính là cơ hội tốt để giúp các em có thêm kiến thức pháp luật, thấy pháp luật thật dễ hiểu, gần gũi, thấy việc chấp hành pháp luật là hành động ứng xử văn minh, có văn hóa.

Thấm nhuần tinh thần Ngày Pháp luật

Sau 4 năm triển khai (11/2013 – 11/2017), tinh thần Ngày Pháp luật đã thấm sâu vào cuộc sống, đời sống chính trị, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân. Với chủ đề “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, Ngày Pháp luật năm 2017 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.

Bộ Công An đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật. Qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sỹ Công an các cấp về vị trí, vai trò quan trọng của Hiến pháp, pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật cũng như năng lực xây dựng và áp dụng pháp luật, trách nhiệm thi hành và bảo vệ pháp luật, tinh thần, thái độ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Còn tại TP HCM, Lễ mít tinh được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: diễn tiểu phẩm pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí; cấp phát miễn phí các tài liệu tuyên truyền pháp luật mới nhất; trò chơi đố vui pháp luật; bốc thăm may mắn…Tại một số địa phương khác như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn… Ngày Pháp luật 2017 được tổ chức gắn với tổng kết Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Có thể nói, thông qua nhiều hoạt động đa dạng, Ngày Pháp luật đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, thu hút sự quan tâm và cổ vũ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và các cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, phục vụ tích cực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Đọc thêm