Hoàn thiện chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(PLVN) -Qua thực tế đào tạo, chương trình đào tạo được đánh giá cao với nhiều ưu điểm, giúp học viên được tiếp cận với kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh, hiểu biết và có cái nhìn đa chiều về cùng một vụ việc, vấn đề hay tình huống pháp lý. 
Bế giảng Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 3 tại Hồ Chí Minh
Bế giảng Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 3 tại Hồ Chí Minh

Ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong đó việc triển khai thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được xác định là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao. Thực hiện Đề án, Học viện Tư pháp đã xây dựng chương trình và triển khai đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Đây là mô hình đào tạo mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Ngày 08/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2543/QĐ-BTP ban hành Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Trên cơ sở đó, ngày 23/12/2016, Giám đốc Học viện Tư pháp đã ký Quyết định số 1401/QĐ-HVTP ban hành Chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.  Thực hiện chương trình đào tạo đã được phê duyệt, tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã và đang triển khai đào tạo 04 khoá tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua thực tế đào tạo, chương trình đào tạo được đánh giá cao với nhiều ưu điểm, đặc biệt nội dung chương trình đã đề cập toàn diện tới các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, giúp học viên được tiếp cận với kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh, hiểu biết và có cái nhìn đa chiều về cùng một vụ việc, vấn đề hay tình huống pháp lý. 

Khai giảng Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4 lần 2 tại Hà Nội
Khai giảng Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4 lần 2 tại Hà Nội 

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, qua thực tiễn đào tạo, Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tăng sức thu hút của chương trình đào tạo, năm 2020, Học viện Tư pháp đã tiến hành sửa đổi bổ sung chương trình khung và chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trên cơ sở định hướng sau đây:

- Bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong bối cảnh cải cách tư pháp.

- Kế thừa những điểm hợp lý của Chương trình khung hiện tại, nhất là về quan điểm, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, thời gian đào tạo, cách phân chia các học phần trong chương trình.

- Tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập của Chương trình khung hiện tại, cụ thể là: cân đối thời gian đào tạo tại Học viện và thời gian thực tập để phù hợp với thực tế triển khai đào tạo; xây dựng các học phần trong phần đào tạo tự chọn theo hướng chuyên sâu, tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho học viên; rà soát, sửa đổi, bổ sung kỹ lưỡng các bài học trong chương trình.

 - Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi trong quá trình triển khai đào tạo.

Từ những định hướng nêu trên, Học viện Tư pháp đã tiến hành sửa đổi bổ sung chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quan điểm đào tạo.

- Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là chương trình đào tạo lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Đây là hướng phát triển, đa dạng và chuẩn hóa mô hình đào tạo chức danh tư pháp trong xu thế hội nhập quốc tế, với sự tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp hiện hành của các nước trên thế giới, như Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

- Chương trình vừa đảm bảo trang bị cho học viên nền tảng kiến thức chung, nhằm tăng cường năng lực áp dụng pháp luật, năng lực thực thi quyền lực tư pháp và tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, vừa đảm bảo được sự tương đồng và riêng biệt về đặc thù nghề nghiệp cốt lõi của từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. 

- Chất lượng đào tạo hướng vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, tăng cường và bổ sung hiệu quả cho nguồn tuyển dụng của các ngành Toà án, Kiểm sát và nhu cầu phát triển đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu luân chuyển các chức danh tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, về mục tiêu đào tạo.

Đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư từ những người có trình độ cử nhân luật trở lên, trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, công nhận luật sư, góp phần tạo sự đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ ba, về đối tượng đào tạo.

Người có trình độ cử nhân luật trở lên (bao gồm cả những người đang làm việc tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát có nhu cầu tham gia khóa đào tạo).

Thứ tư, về hình thức đào tạo.

Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư sẽ được xây dựng theo hình thức tín chỉ. Hình thức đào tạo này sẽ tạo sự linh hoạt về thời gian cho người học, đồng thời, sẽ đảm bảo tính liên thông với một số chương trình đào tạo khác như Chương trình đào tạo nghề luật sư, Chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, Chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát.

Thứ năm, về thời gian đào tạo.

Thời gian đào tạo của chương trình được giữ nguyên là 18 tháng nhưng trên cơ sở cân đối thời gian đào tạo lý thuyết và thời gian đào tạo thực tế, tổng số tín chỉ của chương trình giảm từ 53 tín chỉ xuống còn 52 tín chỉ. Cụ thể tỉ lệ giữa các phần trong chương trình đào tạo như sau:

STT Khối kiến thức Số học phần Số tín chỉ

1. Phần đào tạo bắt buộc 13 44

Khối kiến thức về nghề luật và môi trường nghề luật 01 04

Khối kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản 09 31

Khối kiến thức thực hành nghề 03 09

2. Phần đào tạo tự chọn 

(Tính theo số học phần, số tín chỉ mà học viên được lựa chọn) 02 08

Khối kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu 02 08

Tổng 15 52

Thứ sáu, về văn bằng đào tạo.

Tốt nghiệp chương trình, học viên được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư.

Thứ bảy, về chuẩn đầu ra của chương trình. 

Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư (sửa đổi, bổ sung) cơ bản kế thừa quy định về chuẩn đầu ra của chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư hiện hành nhưng có sửa đổi cách diễn đạt để bảo đảm mạch lạc, phù hợp hơn với kỹ thuật diễn đạt chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Cụ thể là, chuẩn đầu ra của chương trình như sau:

Người tốt nghiệp Chương trình Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp sau đây:

Về kiến thức

- Hiểu được vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác trong hoạt động nghề nghiệp; 

- Hiểu và vận dụng được quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư;

- Hiểu và vận dụng được kiến thức pháp lý trong các lĩnh vực nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

Về kỹ năng

- Có kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong giải quyết, tham gia giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính; kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của luật sư trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án;

- Có kỹ năng hành nghề chuyên sâu của thẩm phán, kiểm sát viên hoặc luật sư trong  trong giải quyết, tham gia giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính, trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.

Về thái độ

- Có ý thức tuân thủ pháp luật;

- Có thái độ ứng xử nghề nghiệp phù hợp với quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.

- Có ý thức thường xuyên học hỏi, cập nhật, tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phục vụ hoạt động nghề nghiệp.

Thứ tám, nội dung chương trình đào tạo

a) Khối kiến thức Nghề luật và môi trường nghề luật (04 tín chỉ)

Bám sát mục tiêu của Khối kiến thức này là giúp học viên nhận diện, hiểu biết và hình thành khả năng thích ứng với môi trường nghề nghiệp tương lai, khối kiến thức này gồm các bài học về chức năng, nhiệm vụ nghề nghiệp, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; tăng thời lượng cho phần kỹ năng mềm bằng việc tăng thời lượng của bài Kỹ năng nói, Kỹ năng viết (từ 5 giờ tín chỉ lên 10 giờ tín chỉ cho 02 bài này); sửa đổi tên bài cho chính xác hơn, theo đó bài Kỹ năng nói sửa thành Kỹ năng thuyết trình, tranh luận, lập luận và bài Kỹ năng viết sửa thành Kỹ năng viết pháp lý. Đây là những kỹ năng thiết yếu đối với người hành nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và việc trang bị các kỹ năng này cho người học là đặc biệt cần thiết.

b) Khối kiến thức kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản (31 tín chỉ)

Mục tiêu của việc đào tạo Khối kiến thức này là trang bị cho học viên kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong lĩnh vực hình sự, dân sự (theo nghĩa rộng), hành chính và tư vấn pháp luật. Các bài học kỹ năng được thiết kế theo module bài học phù hợp với đặc điểm đào tạo nghề luật và tạo nên thương hiệu của Học viện Tư pháp. Theo mô hình này, mỗi bài học đều bắt đầu bằng bài học lý thuyết kỹ năng, sau đó đến thực hành hồ sơ tình huống, tiếp theo là đối thoại và cuối cùng là diễn án. 

c) Khối kiến thức thực hành nghề (09 tín chỉ)

Khối kiến thức thực hành nghề gồm 09 tín chỉ, được chia thành 03 học phần tương ứng với việc thực hành nghề nghiệp của từng chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư (TT1, TT2, TT3). Việc phân chia lại các học phần nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực tập của Học viện (có thể xếp lịch thực tập từng môn trong các thời điểm phù hợp của khóa học thay vì tổ chức thực tập toàn bộ cả 09 tín chỉ vào một giai đoạn), tạo thuận lợi cho học viên, tăng tính liên thông với chương trình đào tạo nghề luật sư (học viên chưa hoàn thành phần thực tập đối với chức danh nào chỉ phải thực tập lại học phần tương ứng với chức danh đó không phải học lại toàn bộ 09 tín chỉ thực tập, có thể liên thông học môn TT3 - thực tập kỹ năng nghề nghiệp của luật sư - trong chương trình đào tạo luật sư). 

d) Khối kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu (08 tín chỉ)

Đây là phần đào tạo chuyên sâu với mục tiêu cung cấp tri thức cho học viên nhằm hoàn chỉnh kỹ năng giải quyết vụ án/vụ việc từ vị trí của mỗi chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trên tất cả các phương diện: pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung và kỹ năng hành nghề. Những bài học trong giai đoạn này được thiết kế theo hướng tích hợp kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đối với một số hoạt động nghề nghiệp điển hình của chức danh đó hoặc đối với việc giải quyết loại vụ án (vụ việc) cụ thể theo các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính. Các loại vụ án được lựa chọn là những loại vụ án phổ biến thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Chương trình khung sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng nhiều hơn các học phần tự chọn theo các lĩnh vực (hình sự, dân sự, hành chính, tư vấn pháp luật) cho mỗi chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Theo đó, mỗi học phần có thời lượng 04 tín chỉ, với nội dung chuyên sâu về từng lĩnh vực cho từng chức danh thay vì dàn trải cho tất cả các lĩnh vực; mỗi chức danh mà học viên lựa chọn cũng có nhiều học phần hơn, tăng khả năng lựa chọn của học viên. Học viên chọn chức danh mà mình muốn theo học chuyên sâu (thẩm phán, kiểm sát viên hoặc luật sư) phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân sau đó chọn 02 học phần (thuộc cùng một lĩnh vực hoặc thuộc 02 lĩnh vực khác nhau) trong số các học phần tự chọn của chức danh đó. Đây là sự thay đổi về cách tiếp cận trong xây dựng phần kỹ năng đào tạo chuyên sâu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học viên và thuận lợi cho quá trình tổ chức đào tạo. 

Với những sửa đổi, bổ sung nêu trên, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư chắc chắn sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, tạo thuận lợi cho người học và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. 

Thông tin chi tiết về chương trình đào tạo xin xem tại: http://hocvientuphap.edu.vn/daotao/Pages/chuong-trinh-dao-tao.aspx?ItemID=18

Học viện Tư pháp đang tuyển sinh Lớp Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn nộp hồ sơ: từ ngày 02/3/2021 đến ngày 07/5/2021. Chi tiết xem tại: http://hocvientuphap.edu.vn/daotao/Pages/thong-bao-tuyen-sinh.aspx?ItemID=1586 

Đọc thêm