Hoàn thiện pháp luật về ưu đãi đầu tư, kinh doanh

(PLVN) - Ngày 24/11, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc – UNDP tại Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức “Hội thảo rà soát, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận các nguồn lực phục vụ đầu tư, kinh doanh”. 
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm tổng hợp các khuyến nghị pháp lý để đề xuất hoàn thiện pháp luật, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch tại Việt Nam trước tình trạng có các VBQPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn được áp dụng trong thực tiễn về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận các nguồn lực phục vụ đầu tư, kinh doanh. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, với phương châm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận các nguồn lực phục vụ đầu tư, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường... 

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay có những bất cập, có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn, thậm chí cản trở sự phát triển.

Nhận thức được điều này, coi đây là điểm nghẽn, nút thắt cần tháo gỡ, Quốc hội đã chỉ đạo và Chính phủ đã nỗ lực rà soát diện rộng (chưa phải tổng rà soát) với nhiều nội dung chuyên sâu. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành một bước việc rà soát gần 9 nghìn VBQPPL cấp Trung ương.

Lần đầu tiên, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác về vấn đề này gồm 39 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để lựa chọn 10 nội dung chuyên đề về kinh tế cần hoàn thiện. Với khối lượng lớn, có tính chất phức tạp liên ngành của các văn bản quy định ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận các nguồn lực phục vụ đầu tư, kinh doanh như hiện nay, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL) rất cần tham vấn các chuyên gia trong nước có trình độ chuyên môn cao.

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo, kết quả nghiên cứu của chuyên gia trong nước, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL) tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan trực tiếp tới việc phát hiện, hướng sửa đổi các quy định về ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận các nguồn lực ngày một tốt hơn.  

Ông Stephen Taylor, Trưởng Phòng chính trị nội bộ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết: “Theo Báo cáo “Môi trường kinh doanh năm 2020” của Ngân hàng Thế giới, Vương quốc Anh được ghi nhận là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới. Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Thông qua Chương trình Cải cách kinh tế ASEAN do Quỹ Thịnh vượng tài trợ và được thực hiện bởi UNDP, các thông lệ tốt của Vương quốc Anh đã được chia sẻ rộng rãi với các đối tác Việt Nam”.

Ông khuyến nghị nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu cho UBND các cấp trong việc quyết định phê duyệt các dự án đầu tư cũng như nghiên cứu đặt các dự án đầu tư trong mối tương tác với các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, an ninh…

Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị nên ưu đãi thuế năm đầu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhỏ; trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện dự án đầu tư thì không cần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu…

Đối với hệ thống pháp luật, trong đó có cả tòa án, trọng tài, cần tăng cường những quy định hỗ trợ, ủng hộ các doanh nghiệp như chi phí trọng tài hợp lý hơn, tòa án tiến hành nhanh gọn việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. 

Đọc thêm