Hoàn thiện quy định về định giá tài sản trong thi hành án dân sự

(PLVN) -Định giá tài sản kê biên là một trong những bước tác nghiệp rất quan trọng của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Đây là cơ sở để tính toán giá trị tài sản thi hành án từ đó xác định mức giá khởi điểm của tài sản đã kê biên để đưa ra bán đấu giá theo trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản.
Hoàn thiện quy định về định giá tài sản trong thi hành án dân sự

Việc định giá tài sản kê biên được quy định tương đối cụ thể tại Điều 98, 99 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Điều 25, Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Một là: Bổ sung quy định về xác định, thẩm định giá đối với một số loại tài sản đặc thù 

Trong thực tiễn, tài sản bị kê biên để đảm bảo thi hành án rất đa dạng, phong phú, đó có thể là động sản, bất động sản, giấy tờ có giá... và gần đây là cả các tài sản hình thành trong tương lai, các loại giá trị tài sản vô hình. Theo khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản hình thành trong tương lai bao gồm tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Thực tiễn thi hành án cho thấy việc xác định, thẩm định giá tài sản hình thành trong tương lai chưa phát sinh nhiều, chủ yếu tập trung tại một vài tỉnh, thanh phố lớn. Tuy chỉ chiếm số lượng vụ việc rất ít nhưng giá trị của những loại tài sản này thường khá lớn và rất khó để xác định, thẩm định giá. Do đó cần tiếp tục có sự tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để hoàn thiện về các quy định pháp luật liên quan đến việc định giá những tài sản đặc thù này trong hoạt động THADS.

Hai là: Quy định rõ  hơn về thành phần tham gia định giá 

Luật THADS quy định “Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp”… Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá”.

Luật THADS chưa có quy định cụ thể thế nào là tài sản tươi sống, mau hỏng. Tài sản có giá trị nhỏ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 98 Luật THADS được giải thích là những loại tài sản mà tại thời điểm xác định giá, tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá 10.000.000 đồng. 

Pháp luật về thi hành án dân sự chưa đề cập đến thời hạn xác định giá đối với những loại tài sản này mà chỉ quy định về việc bán tài sản tươi sống, mau hỏng, có giá trị nhỏ được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên theo quy định tại Khoản 4 Điều 101 Luật THADS. Do đó, việc xác định giá cũng phải được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày Chấp hành viên tổ chức kê biên tài sản để phù hợp với thời hạn bán đấu giá. Trong thực tế, để tiến hành xác định giá ngay tại buổi kê biên, trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận được giá tài sản thì Chấp hành viên thường mời các thành phần tham dự. Khi cần thiết thì mời đại diện cơ quan chuyên môn liên quan đến tài sản.Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể hơn về các thành phần tham gia cũng như trình tự, thủ tục thực hiện đối với các trường hợp này.

Ba là: Hướng dẫn cụ thể trong trường hợp yêu cầu định giá lại tài sản kê biên.

Điều 99 Luật THADS quy định một trong các trường hợp định giá lại tài sản kê biên:“ Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.”

Về số lần yêu cầu định giá lại, điều luật quy định: “Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần”. Hiện nay vẫn đang có những quan điểm khác nhau về nội dung này. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá, nếu đương sự có yêu cầu thì cho dù cả hai bên cùng yêu cầu định giá lại hay chỉ có một bên yêu cầu, việc định giá lại cũng chỉ được thực hiện một lần. Quan điểm thứ hai cho rằng: Người được thi hành án có quyền yêu cầu định giá lại một lần và người phải thi hành án có quyền yêu cầu định giá lại một lần trong quá trình tổ chức thi hành án. Nghĩa là việc định giá lại của đương sự có thể sẽ được thực hiện hai lần, một lần cho người phải thi hành án và một lần cho người được thi hành án. Đa số quan điểm đều đồng tình với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, Luật THADS cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về nội dung này để thống nhất thực hiện.  

Đọc thêm