Hoàn thiện quy định về nghĩa vụ của người trúng đấu giá

(PLVN) -Đấu giá tài sản thi hành án là một trong những bước tác nghiệp quan trọng khi xử lý tài sản thi hành án (THA). Trong giai đoạn này, ngoài chủ thể là người được THA, người phải THA, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì một chủ thể quan trọng khác cần được quan tâm, bảo vệ quyền lợi, đó chính là người trúng đấu giá, người mua được tài sản THA.
Hoàn thiện quy định về nghĩa vụ của người trúng đấu giá

Nhiều quy định đảm bảo quyền lợi người mua trúng đấu giá

Luật THADS đã có những quy định về đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá, người mua được tài sản THA. Cụ thể như: Người mua được tài sản đấu giá được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản; được giao tài sản kể cả khi bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy (Điều 103 Luật THADS); Trong trường hợp người phải THA, người đang quản lý tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản THA thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế THA; Người mua được tài sản THA được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua được tài sản THA (Điều 106 Luật THADS) …Ngoài ra người mua được tài sản đấu giá còn có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đấu giá trong trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà cơ quan THADS không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá; quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kết quả đấu giá (Điều 102 Luật THADS)

Bên cạnh các quyền lợi, người trúng đấu giá tài sản THA có các nghĩa vụ như: Phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với việc mua tài sản; Phải chịu trách nhiệm khi từ chối mua tài sản; bảo đảm tài chính để THA và các chi phí cần thiết khác. ..Ngoài ra, người trúng đấu giá cũng có các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, Luật THADS và Luật Đấu giá đã có những quy định về  quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá,  người mua được tài sản tài sản THA, tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về vấn đề này.

Cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm nhận tài sản 

Trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo THA đã có nhiều trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không nộp, nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định. Mặc dù tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định tương đối cụ thể đối với việc xử lý số tiền đặt trước trong các trường hợp người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào, người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng …tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện đối với các trường hợp này. 

Theo quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản có 05 trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy. Trong đó, theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. …

Tuy nhiên, cần phải bổ sung quy định về hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng mua bán tài sản đối với trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không nộp tiền mua tài sản trong thời hạn quy định; đảm bảo việc hủy được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời cần nghiên cứu quy định khi tiếp tục bán đấu giá tài sản thì lấy giá nào làm giá khởi điểm để bán đấu giá? Lấy giá khời điểm của lần bán đấu giá bị hủy hay lấy giá khởi điểm là giá trúng đấu giá của lần bán trước đó?

Cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm nhận tài sản của người mua trúng đấu giá tài sản THA. Thực tế có những trường hợp người mua được tài sản THA sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, vì nhiều lý do khác nhau lại không muốn nhận tài sản mà mình đã tham gia mua. Cá biệt còn có những trường hợp gây khó khăn để tìm cách hủy hợp đồng mua bán tài sản mà không phải chịu các nghĩa vụ tài chính theo quy định…. Do đó cũng cần có quy định cụ thể trong trường hợp người mua được tài sản THA không nhận tài sản đã mua trúng đấu giá thì hệ quả pháp lý tiếp theo sẽ giải quyết ra sao, chế tài áp dụng và trình tự, thủ tục thực hiện, giải quyết trong những trường hợp đó như thế nào?…để thuận lợi hơn cho chấp hành viên và cơ quan THADS khi áp dụng pháp luật. 

Đọc thêm